Câu chuyện đầu tư

Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam, Hòa Phát (HPG) ‘miễn nhiễm’ với chính sách mới từ Mỹ

Thu Huyền 03/04/2025 18:26

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam, gây chấn động thị trường xuất khẩu. Nhưng ngành thép bất ngờ “miễn nhiễm” trong danh sách thuế mới, giúp Hòa Phát và loạt doanh nghiệp thép tạm thời đứng ngoài cơn bão.

Tổng thống Donald Trump vừa chính thức áp thuế nhập khẩu theo nguyên tắc đối ứng, một phần trong chiến lược bảo hộ thương mại nhằm cân bằng thương mại với các đối tác lớn của Mỹ.

Cụ thể, ông Trump công bố kế hoạch áp thuế "có đi có lại" với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ – trong đó Việt Nam nằm trong nhóm bị đánh thuế nặng, mức 46%.

Nhà Trắng tuyên bố áp mức thuế 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4/2025. Từ ngày 9/4, các quốc gia có mức thặng dư thương mại cao hơn sẽ chịu mức thuế cao hơn theo biểu thuế mới. Mặc dù danh sách đưa ra nêu rõ Việt Nam, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang áp mức thuế cao vào hàng hóa Mỹ (lần lượt 90%, 67%, 39%), nhưng không đưa ra cách tính cụ thể, gây tranh cãi lớn.

Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam, Hòa Phát (HPG) ‘miễn nhiễm’ với chính sách mới từ Mỹ
Tổng thống Donald Trump chính thức áp thuế nhập khẩu theo nguyên tắc đối ứng với 180 đối tác thương mại (Ảnh: VOV)

Thuế quan đối ứng là gì?

Thuế quan đối ứng có nghĩa là Mỹ sẽ đánh thuế hàng nhập khẩu từ một quốc gia đúng bằng mức thuế mà nước đó áp lên hàng xuất khẩu của Mỹ, xét theo từng mặt hàng cụ thể. Ví dụ, nếu một quốc gia áp thuế 6% đối với giày sản xuất tại Mỹ, thì Mỹ cũng sẽ đánh thuế đối với giày nhập khẩu từ nước đó ở mức tương tự.

Tuy nhiên, thay vì áp thuế đối ứng tuyệt đối theo từng mặt hàng, chính quyền ông Trump công bố mức thuế theo quốc gia, dựa trên mức thâm hụt thương mại của từng nước với Mỹ.

Ông Trump cho biết Mỹ sẽ áp thuế đối ứng ở mức khoảng một nửa so với mức thuế mà các quốc gia khác đang áp lên hàng Mỹ. Nhà Trắng sử dụng một công thức để tính tổng các biện pháp thương mại mà họ cho là bất công, bao gồm thao túng tiền tệ, thuế quan và các rào cản thương mại khác.

Ví dụ, nếu Trung Quốc áp thuế 67% đối với hàng hóa Mỹ, Mỹ sẽ đáp trả bằng mức thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam, Hòa Phát (HPG) ‘miễn nhiễm’ với chính sách mới từ Mỹ
Mỹ có thể bị các nước đối tác trả đũa thương mại, đặc biệt là Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể dẫn đến việc Mỹ đánh thuế hàng hóa từ các quốc gia khác với mức chênh lệch lớn so với thuế họ áp lên hàng Mỹ, gây ra nguy cơ trả đũa thương mại.

Hòa Phát miễn nhiễm với loạt chính sách thuế quan mới từ Mỹ

Theo chính sách thuế quan mới từ chính quyền Mỹ, các mặt hàng thép, nhôm, đồng, vàng sẽ bị loại ra khỏi thuế đối ứng. Nguyên nhân vì thép và nhôm đã chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại thì sẽ không phải chịu thuế đối ứng. Như vậy, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo Mục 232.

Trước đó, vào ngày 11/2, chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu. Động thái này nhằm bảo hộ các nhà sản xuất thép nội địa trong bối cảnh một số nhà máy lớn tại Pennsylvania đã phải đóng cửa trong năm 2024.

Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam, Hòa Phát (HPG) ‘miễn nhiễm’ với chính sách mới từ Mỹ
Nguồn: MBS

Tuy nhiên, đánh giá tác động của chính sách mới đến Hòa Phát, MBS Research cho rằng doanh nghiệp này sẽ không bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là các sản phẩm thép xây dựng và HRC (mặt hàng xuất khẩu chính của Hòa Phát) hiện đang chịu mức thuế khoảng 33% - 36%, vốn đã cao hơn mức 25% vừa được áp dụng. Đồng thời, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 3% tổng sản lượng của HPG.

Về thuế chống bán phá giá, từ quý III/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra đối với thép CORE và dự kiến sẽ công bố kết luận cuối cùng vào quý II/2025. Tuy nhiên, đây là dòng sản phẩm làm từ thép CRC và không có doanh nghiệp niêm yết nào sản xuất mặt hàng này.

Mặt khác, một số sản phẩm tôn mạ có mức thuế khoảng 22% và việc tăng thuế có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá đối với thép Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ nhiều khả năng phải giảm giá bán tại Mỹ.

3 doanh nghiệp tôn mạ niêm yết gồm Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA) có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trên tổng sản lượng lần lượt là 9%, 13% và 16% sẽ bị ảnh hưởng.

MBS Research nhận định, trong bối cảnh nhu cầu thép của Mỹ vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu (chiếm 51% tổng tiêu thụ), việc tìm kiếm nhà cung cấp mới sẽ cần thời gian. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam hoàn toàn có thể giảm giá bán để duy trì thị phần, do biên lợi nhuận gộp vẫn đang ở mức ổn định 8% - 10%. Điều này có thể giúp sản lượng xuất khẩu duy trì, dù biên lợi nhuận gộp dự kiến giảm nhẹ.

>> Lợi nhuận của Hòa Phát (HPG) nhiều khả năng tăng trưởng vượt kỳ vọng ngay cả khi giá thép chưa phục hồi

Có lệnh khởi công đường sắt 67 tỷ USD, Hòa Phát (HPG) lập tức triển khai nhà máy sản xuất ray trong tháng 4

2 CTCK cùng dự báo lợi nhuận Hòa Phát (HPG) quý I là 3.100 tỷ đồng, cả năm 2025 tăng trưởng 36% - 50%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tong-thong-trump-ap-thue-doi-ung-46-len-viet-nam-hoa-phat-hpg-mien-nhiem-voi-chinh-sach-moi-tu-my-285646.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam, Hòa Phát (HPG) ‘miễn nhiễm’ với chính sách mới từ Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH