Tổng thống Trump ra loạt quyết sách, cuộc chiến thương mại, công nghệ sẽ khốc liệt
Ông Donald Trump ký loạt sắc lệnh ngay sau diễn văn nhậm chức, với tuyên bố đưa nước Mỹ vào một kỷ nguyên mới, bằng tất cả nguồn lực để giúp người dân Mỹ giàu và nước mạnh... Rất nhiều tỷ phú đứng sau chính quyền mới.
'Thời đại hoàng kim của nước Mỹ ngay từ giờ'
Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol, trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ và cũng là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ (78 tuổi, 7 tháng) vào thời điểm nhậm chức.
Trong bài diễn văn nhậm chức dài khoảng 30 phút, ông Trump khẳng định: “Thời đại hoàng kim của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ”. Ông cam kết “đặt nước Mỹ lên hàng đầu", xây dựng quân đội mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến, không phải qua những trận thắng mà chấm dứt những cuộc chiến...
Ông Trump công bố loạt chính sách được thực thi ngay lập tức, gồm ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Mexico, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp... Ông cũng ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng với mục tiêu hạ giá, bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump chính thức rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, trước những người ủng hộ tại Đấu trường Capital One, Washington. Ông đã ký một sắc lệnh hành pháp bắt đầu quá trình rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sẽ thu hồi lệnh bắt buộc sử dụng xe điện...
Về thương mại, ông Trump sẽ “ngay lập tức bắt đầu” cải tổ hệ thống thương mại, áp các sắc thuế quan để mang lại "một lượng tiền khổng lồ" cho ngân sách Mỹ "đến từ các nguồn nước ngoài". Thay vì đánh thuế công dân Mỹ để làm giàu cho quốc gia khác, vị tổng thống thứ 47 này muốn đánh thuế các quốc gia nước ngoài “để làm giàu cho công dân của chúng ta".
Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico. Ông quyết định hoãn công bố mức thuế quan dành riêng cho Trung Quốc vào ngày đầu tiên nhậm chức, thay vì nhiều lần cho rằng sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng nhập từ Trung Quốc khi tranh cử.
Ông chủ mới của Nhà Trắng đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên bang khởi động điều tra các hoạt động thương mại như thâm hụt thương mại, các hoạt động tiền tệ bất bình đẳng, hàng giả và quy định đặc biệt cho phép các mặt hàng có giá trị thấp xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không bị đánh thuế.
Ông cũng ký sắc lệnh đổi tên vịnh Mexico thành vịnh Mỹ, tính đòi lại quyền kiểm soát kênh đào Panama khi Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại đây. Ông thúc đẩy việc đưa phi hành gia lên sao Hỏa.
Ông Trump cho rằng nước Mỹ đang suy thoái, chỉ trích hệ thống giáo dục và y tế và cam kết sẽ mang lại sự thay đổi "rất nhanh chóng" để chấm dứt suy thoái.
Quy tụ những tỷ phú giàu nhất thế giới
Một điểm nhấn trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump là sự xuất hiện của rất nhiều tỷ phú USD, đặc biệt các tỷ phú công nghệ, ở hàng ghế trang trọng nhất tại buổi lễ.
Đó là dàn tỷ phú được ông Trump chọn vào nội các như: Robert F. Kennedy Jr. (bộ trưởng y tế), ông Marco Rubio (ngoại trưởng)... Tổng cộng, có 13 tỷ phú Mỹ nằm trong nội các của chính quyền Trump nhiệm kỳ này.
Ngoài ra còn có mặt các nhà lãnh đạo công nghệ giàu có nhất, gồm: CEO Meta Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan, CEO Amazon Jeff Bezos, CEO Google Sundar Pichai và Elon Musk, Apple Tim Cook, CEO TikTok Shou Zi Chew...
Tỷ phú Mỹ có vai trò nổi bật trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, Elon Musk, xuất hiện với tư cách là đồng Bộ trưởng Bộ Hiệu quả Mỹ. Tỷ phú Musk đã đóng góp khoảng 200 triệu USD cho ủy ban hành động chính trị America PAC để ủng hộ ông Trump tranh cử năm ngoái.
Trước đó, mối quan hệ của ông Trump với thung lũng Silicon khá căng thẳng. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước đây, ông Trump từng bị CEO Meta Mark Zuckerberg khóa tài khoản Facebook. Nhưng nay mối quan hệ này đã thay đổi 180 độ.
Nhiều ông trùm công nghệ Mỹ từng đối đầu với ông Trump giờ đua nhau ủng hộ tân tổng thống. Theo Fox News, Meta và Amazon mỗi tập đoàn quyên góp hơn 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Trump hứa sẽ theo đuổi sứ mệnh lên các vì sao, “đưa phi hành gia người Mỹ cắm cờ Mỹ trên sao Hỏa". Elon Musk được cho là sẽ hưởng lợi từ các hợp đồng béo bở với chính phủ liên bang cho các dự án chinh phục vũ trụ.
Tỷ phú Musk ban đầu đặt mục tiêu cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Mỹ khoảng 2.000 tỷ USD, nhưng gần đây rút xuống và cho rằng sẽ được con số 1.000 tỷ.
Các tỷ phú Mỹ đã xếp hàng để gặp ông Trump trước lễ nhậm chức, theo Bloomberg. 6/10 người giàu nhất thế giới đã bay đến khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida từ khi ông thắng cử; trong đó có Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Bill Gates, Sergey Brin, Larry Ellison, Travis Kalanick, Gina Rinehart, Howard Lutnick... Bên cạnh đó là ông trùm công nghệ sinh học Patrick Soon-Shiong, các tỷ phú tiền điện tử nhà Winklevoss và tỷ phú sòng bạc Tilman Fertitta...
Có thể thấy, chính sách của ông Trump nhiệm kỳ mới khá rõ ràng. Đó là nước Mỹ trên hết. Mỹ sẽ tập trung sự cạnh tranh ở châu Á - Thái Bình Dương với tâm điểm là quan hệ Mỹ - Trung, trong đó nổi lên là cuộc chiến công nghệ khốc liệt.
Nhiều dự báo cho rằng, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ leo thang và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ cho đến địa chính trị. Công nghệ sẽ là chiến trường quyết liệt nhất, trong đó có các mảng như: trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và mạng 5G.
Việc quy tụ các tỷ phú công nghệ được xem là một lợi thế cho ông Trump trong bối cảnh Trung Quốc có sự chuẩn bị kỹ hơn cho một cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc ở phía trước, nhưng Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm, suy giảm nguồn lực và suy thoái dân số.
>>Elon Musk hứng chỉ trích vì kiểu chào Hitler tại lễ nhậm chức của ông Trump