Bất động sản

TP.HCM mới di dời 657 nhà trên kênh rạch, kiến nghị bổ sung 37.000 tỷ

Anh Phương - Hồ Văn 18/10/2023 - 19:21

Sau 2 năm thực hiện, TP.HCM chỉ mới bồi thường, di dời được 657 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Sở Xây dựng kiến nghị UBND bổ sung khoảng 37.000 tỷ đồng cho 20 dự án.

Chỉ tiêu 6.500 căn, mới chỉ di dời được 657 căn

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo kết quả sau hai năm thực hiện kế hoạch Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó có tiến độ di dời nhà trên và ven kênh, rạch.

Về các dự án sử dụng vốn ngân sách, theo kế hoạch, TP.HCM đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà thuộc 17 dự án ưu tiên.

Tính đến hết quý II/2023, TP.HCM chỉ mới bồi thường, di dời được 657 căn nhà. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời thêm 2.574 căn nhà. Tính tổng giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM sẽ bồi thường, di dời được 3.231/6.500 căn nhà, đạt tỷ lệ 49,7% chỉ tiêu đề ra.

W-di-doi-nha-ven-kenh-2.jpg
Sau 2 năm, TP.HCM mới chỉ di dời được 657/6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch. (Ảnh: Anh Phương)

Với các dự án ngoài ngân sách, kế hoạch không đề ra chỉ tiêu bồi thường, di dời mà giao cho các địa phương chủ động hoàn tất thủ tục, kêu gọi đầu tư để sớm đấu thầu thực hiện các dự án trong năm 2025, gồm 7 tuyến kênh rạch với tổng quy mô di dời dự kiến 9.138 căn nhà.

Cụ thể, 3 tuyến rạch tại Q.7 đang được cơ quan chức năng xử lý thủ tục đầu tư và 4 tuyến rạch tại Q.8. Trong 4 tuyến rạch tại Q.8 có bờ nam kênh Đôi và 3 dự án nhà ở thương mại kết hợp di dời nhà trên và ven kênh, rạch hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm.

Cần bổ sung 37.000 tỷ đồng cho 20 dự án

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, kết quả di dời nhà trên và ven kênh, rạch bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, đa số dự án cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường, trong khi chưa kêu gọi được nhà đầu tư tại các dự án vốn ngoài ngân sách.

Hiện các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị kết hợp chống ngập được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư. Nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu theo tiêu chí được UBND TP.HCM chấp thuận.

TP.HCM đang hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có quá nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường. Trong khi các dự án di dời nhà ven kênh chủ yếu là vốn bồi thường.

Ngoài ra, các tuyến kênh rạch thường có khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, không mở biên chỉnh trang, không có giá trị thương mại nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện chỉ có 7 dự án đang tiếp tục được bố trí vốn. Điều này cho thấy khả năng cân đối ngân sách của Thành phố và việc bổ sung vốn cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch từ nay đến năm 2025 là rất hạn chế. Dẫn đến chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà đã đặt ra rất khó khả thi.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM điều chỉnh dự án tuyến sông Ông Lớn, Q.7 từ vốn ngân sách sang xã hội hoá.

Hiện Q.7 kiến nghị mở rộng biên di dời và phạm vi thu hồi đất 20,2ha với quy mô 853 căn, tổng vốn bồi thường khoảng 7.083 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM bổ sung khoảng 37.000 tỷ đồng cho 20 dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch trên địa bàn.

Cụ thể, cần bổ sung 18.829 tỷ đồng cho 7 dự án thuộc Chương trình Di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; và 18.150 tỷ đồng cho 13 dự án chưa bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng TN&MT: Thí điểm dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận phải đạt 5 điều kiện

Giá bất động sản phi mã: 'Không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thieu-von-tien-do-di-doi-nha-tren-va-ven-kenh-rach-tai-tp-hcm-i-ach-2203647.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TP.HCM mới di dời 657 nhà trên kênh rạch, kiến nghị bổ sung 37.000 tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH