Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 6/2023, mới đây.
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, kinh tế của Thành phố có chuyển biến tích cực thể hiện qua các chỉ số, như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ, tín dụng, giải ngân đầu tư công đều có sự chuyển biến rõ tích cực, thị trường chứng khoán cũng chuyển biến tốt hơn. Kinh tế vĩ mô của Thành phố vẫn tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế cũng còn nhiều yếu tố cần quan tâm như đơn hàng, hàng tồn kho, thủ tục phòng cháy chữa cháy, dự án đầu tư… còn khó khăn, nên đặt vấn đề cần phải tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, nhờ nỗ lực cải cách hành chính của các đơn vị, đã phần nào giải quết được khó khăn trong bộ máy hành chính. Các nội dung về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố cơ bản ổn định. Các chỉ số kinh tế có chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt là thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 ước đạt khoảng 99.100 tỷ đồng, tăng 3,1% so tháng trước (trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 2,6%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 7,9%, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 12,2%, dịch vụ khác tăng 2,2%) và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 201.000 tỷ đồng, đạt 42,96% dự toán năm và bằng 95,52% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế Thành phố vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như quy mô, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục xu hướng suy giảm; kết quả giải ngânvẫn còn thấp. Cụ thể, tính đến hết tháng 5, Thành phố chỉ giải ngân vốn đầu tư công được 21,9% so với kế hoạch của Thành phố và 12,8% so với kế hoạch của Chính phủ giao.
Đối với vấn đề an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, những tháng tới sẽ còn rất nhiều khó khăn và gay gắt. Thậm chí, cần phải xem xét liệu có cần thiết có các chính sách an sinh hỗ trợ như trong đợt dịch COVID-19 vừa qua hay không? Cần tạo sự chủ động, phải dự báo và đi trước, không để rơi vào tình trạng bị động, trở tay không kịp.
“Từ kinh nghiệm giải quyết vấn đề cắt giảm lao động trên địa bàn Thành phố thời gian qua, đặc biệt là tại Công ty PouYuen, Thành phố cần có sự chủ động khi có trường hợp khác xảy ra. Nhân dịp này, chúng ta phải tìm cơ trong nguy, phải chuyển sang đào tạo nghề. Trong đó, việc phối hợp giữa Sở LĐTB và Xã hội với Sở GD&ĐT phải tập trung quyết liệt”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, Thành phố sẽ tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về kinh tế - xã hội gắn với các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời, chuẩn bị triển khai ngay kế hoạch thực hiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ tập trung lãnh đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Quyết tâm đến cuối tháng 6/2023 sẽ đạt 35%, hiện tại mới chỉ giải ngân được 28,6%.
Để làm được điều này, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung cao vào khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục dự án. Đến cuối tháng 6 sẽ quyết định khởi công các dự án mới, điều chuyển vốn. Đối với các dự án chưa xong thủ tục thì chủ động chuyển sang các quý còn lại để thực hiện.
Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ và thúc đẩy chuyển đổi số, phục vụ xây dựng chính quyền số. Trong đó, Thành phố sẽ tập trung Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng công vụ của Thành phố và Đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chính quyền cơ sở.
Nhận tiền bồi thường 30m2 đất mặt đường, phải bù thêm 500 triệu đồng mới đủ mua căn chung cư 60m2
Bộ Tài chính công khai giải ngân vốn đầu tư công các dự án quan trọng quốc gia