TP. HCM sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị hơn 500km trong tương lai?
Đây là đề xuất trong đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Tại kỳ họp lần thứ 17 mới được tổ chức, ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, đã trình đại biểu HĐND khóa X xem xét đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Theo đó, TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 31km, 24 nhà ga cùng 2 depot (mức đầu tư khoảng 91.000 tỷ đồng).
Năm 2035, TP. HCM tiếp tục hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 183km, 148 nhà ga (mức đầu tư hơn 871.200 tỷ đồng).
Đến năm 2045, TP. HCM sẽ xây dựng, hoàn thành tổng cộng 351km đường sắt đô thị.
Năm 2060, TP. HCM dự kiến hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị 10 tuyến, tổng chiều dài 510km.
Theo UBND TP. HCM, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM được đề xuất khoảng 28 cơ chế đặc thù, đặc biệt. Những cơ chế này được đưa ra sau quá trình đúc kết từ thực tiễn và khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án metro số 1, 2.
>> Tuyến metro hơn 18.000 tỷ đồng từng nhiều lần 'lỡ hẹn' đã có chuyển động mới
Vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động tối đa mọi nguồn lực Nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư; trong đó, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035.
Các nguồn này từ tăng thu ngân sách, thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu, đầu tư công, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu...
Về tiến độ triển khai, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM chia sẻ, sau khi xây dựng xong đề án và Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các bộ, ngành để cùng với TP. Hà Nội tổng hợp báo cáo Chính phủ; báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, phấn đấu cuối năm 1014 sẽ trình Quốc hội để ban hành cơ chế, chính sách thực hiện.
Nếu cuối năm 2025 có cơ chế, năm 2026-2027 TP. HCM sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, bao gồm điều chỉnh quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu. Cuối năm 2027 - đầu năm 2028 thành phố sẽ khởi công đồng loạt 6 tuyến metro.
Ông Lâm nhận định, với mốc thời gian như trên, tiến độ thực hiện rơi vào khoảng 8,5 năm. Trong đó, thời gian khoan hệ thống hầm khoảng 3,5 năm, thời gian còn lại là lắp đặt thiết bị, chuẩn bị nghiệm thu vận hành.
>> Toàn cảnh đường đua F1 duy nhất ở Việt Nam chưa từng một lần sử dụng