TPHCM cùng các tỉnh ĐBSCL liên kết để hướng tới kinh tế xanh và bền vững
Sáng 16/11, Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect với chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững" đã diễn ra tại Hội trường UBND TPHCM.
Tham dự Diễn đàn có: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh…
Về phía lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TPHCM có: Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn…
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, năm 2023, TPHCM cùng 38 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổng kết, ký thỏa thuận và xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn đến năm 2025 với mục tiêu phát huy thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế cả nước.
Đồng thời, Thành phố cũng đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế Thành phố với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0".
Vì vậy, Diễn đàn hôm nay cho thấy TPHCM xác định mối tương quan liên kết vùng chặt chẽ giữa Thành phố và các tỉnh, thành phố trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Diễn đàn Mekong Connect đã trải qua 4 phiên thảo luận, bàn về 4 chủ đề lớn, xoay quanh việc kiến tạo môi trường kinh tế xanh, thị trường tái chế và tín chỉ carbon, giải pháp mở rộng thị trường, giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh.
Trong phiên toàn thể của Diễn đàn Mekong Connect, Hội nghị sẽ đúc kết lại đóng góp ý kiến, thảo luận từ các chuyên gia, nhà làm chính sách, cộng đồng doanh nghiệp... Qua đây, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, TPHCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL mong muốn được lắng nghe, tiếp thu về các giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, cơ chế đặc thù của Thành phố nói riêng để đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xanh, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, xây dựng quy hoạch tích hợp…
"Tôi hy vọng Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp và chính quyền; giữa các chuyên gia khoa học và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững", Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
13 tỉnh ĐBSCL đón vận hội của TPHCM như vận hội của chính mình
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, TPHCM vừa được Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Tuy nhiên, mọi sự phát triển của TPHCM là hiệu ứng lan tỏa ra cả vùng, thậm chí lan tỏa đến Cà Mau, hay lan tỏa ra phía bắc, đó là kỳ vọng của Trung ương, của Quốc hội khi ban hành Nghị quyết. Do vậy, đây không phải là câu chuyện của riêng TPHCM mà là câu chuyện của 13 tỉnh ĐBSCL để đón vận hội của TPHCM như đón vận hội của chính mình bởi không gian kinh tế không có lằn ranh hành chính.
Bộ trưởng cũng nhận định, phải công nhận một điều sự đóng góp của TPHCM đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua có một phần đóng góp của các tỉnh ĐBSCL. Đối với câu chuyện liên kết vùng của ĐBSCL, nếu không định hình được liên kết kinh tế thì cuối cùng đó chỉ là mạng lưới hạ tầng.
Đối với vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bộ trưởng khẳng định hiện nay tâm thức tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người. Đây là xu thế không thể nào đảo ngược.
"Bây giờ người ta không mua sản phẩm mà người ta mua câu chuyện tạo ra sản phẩm đó, của con người với tư duy xanh để tạo ra sản phẩm. Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn. Chúng ta hay đắn đo, cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả cho sự thay đổi mà chưa cân nhắc, đắn đo về cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Sự thay đổi có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí, chính quyền mất thêm chi phí nhưng nếu chúng ta không thay đổi cách thức sản xuất thì sẽ bị đơn độc trong quá trình mà nhân loại đang hướng tới", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT gửi gắm.
Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, Bộ trưởng cho rằng "bi kịch" của thời đại ngày nay đó là có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn, không còn sản phẩm nào mới. Vấn đề là phải làm mới sản phẩm của mình. Các bạn trẻ khởi nghiệp gặp 2 vấn đề: Thấy người ra làm rồi thì không dám làm nữa vì sợ không cạnh tranh được; và là tưởng mình là người đầu tiên làm. Bộ trưởng cho rằng các sản phẩm cần được làm khác đi, phải vượt trội hơn. Các bạn trẻ cần tìm ra sự khác biệt để khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gửi lời tri ân đến đội ngũ Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao với hành trình 10 năm đã đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp, từ Lạng Sơn, Hà Giang đến Cà Mau. Những chuyên gia, những doanh nghiệp cùng đồng hành với Hội đã chứng minh rằng tiềm năng xã hội còn rất lớn nếu lãnh đạo các địa phương biết kích hoạt sự tham gia của xã hội, của các mạng lưới.
Diễn đàn Mekong Connect 2023 có chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TPHCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững", được tổ chức tại TPHCM với sự chủ trì của UBND TPHCM, Bộ NN&PTTN và Bộ KH&CN.
Diễn đàn đánh dấu lần đầu tiên mở rộng phạm vi liên kết phát triển cấp vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL nhằm hướng tới trở thành diễn đàn đối thoại kinh tế công tư thường niên của vùng kinh tế TPHCM.
Đồng thời, Diễn đàn Mekong Connect 2023 được kỳ vọng sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong mối liên kết với khu vực ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ, tạo không gian tiếp cận, thảo luận và đánh giá về tình hình kinh tế của khu vực.
Trước Phiên toàn thể vào sáng nay, các hoạt động bên lề Diễn đàn đã được tổ chức như: Tọa đàm "Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP"; "Triển lãm với chủ đề "Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam; 4 phiên thảo luận song song với các chủ đề: "Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh", "Những thị trường mới nổi: Tái chế và Tín chỉ carbon", "Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024", "Giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong xã hội và chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp".
'Người Thái' rót hơn 100 triệu USD vào 10 dự án ở Bình Định
Khám xét nhà, nơi làm việc Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM