Thế giới

Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư ôm tiền mặt tháo chạy: Chuyện gì đã xảy ra tại siêu cường số 1 thế giới?

Thanh Lê 12/04/2025 - 07:48

Điều đáng lo ngại hơn là cách thị trường vận động: giới đầu tư cùng lúc bán tháo trái phiếu 10 và 30 năm ngay khi họ tháo chạy khỏi cổ phiếu, tiền mã hóa và các tài sản rủi ro khác. Nói cách khác, trái phiếu kho bạc Mỹ đang giao dịch giống như một tài sản rủi ro.

Trên Phố Wall, trái phiếu kho bạc Mỹ từ lâu được coi là tài sản an toàn tuyệt đối, nơi trú ẩn hàng đầu của giới đầu tư mỗi khi khủng hoảng xảy ra. Chúng từng tăng giá mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau vụ khủng bố 11/9 và thậm chí ngay cả khi Mỹ bị hạ tín nhiệm. Thế nhưng, khi Tổng thống Donald Trump phát động một cuộc tấn công toàn diện vào thương mại toàn cầu, vị thế "thiêng liêng" ấy đang dần bị đặt dấu hỏi.

Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng vọt trong những ngày gần đây, trong khi đồng USD lao dốc. Điều đáng lo ngại hơn là cách thị trường vận động: giới đầu tư cùng lúc bán tháo trái phiếu 10 và 30 năm ngay khi họ tháo chạy khỏi cổ phiếu, tiền mã hóa và các tài sản rủi ro khác. Ngược lại, khi những tài sản này hồi phục, trái phiếu Mỹ cũng đi lên cùng chúng.

Nói cách khác, trái phiếu kho bạc Mỹ đang giao dịch giống như một tài sản rủi ro. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers thậm chí so sánh chúng với nợ của một quốc gia mới nổi.

Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư ôm tiền mặt tháo chạy: Chuyện gì đã xảy ra tại siêu cường số 1 thế giới? - ảnh 1
Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng vọt trong những ngày gần đây, trong khi đồng USD lao dốc

Dù nhiều chuyên gia kỳ vọng xu hướng này chỉ là tạm thời và sẽ dịu lại khi thị trường cổ phiếu bình ổn, một thông điệp rõ ràng đã được gửi tới giới chức Mỹ: niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu Mỹ không còn là điều hiển nhiên – không phải sau nhiều năm vay mượn bùng nổ khiến nợ công phình to, và càng không phải khi có một tổng thống sẵn sàng viết lại các quy tắc cả trong và ngoài nước, khiến nhiều chủ nợ lớn nhất của Mỹ cảm thấy bất an.

Hệ lụy cho hệ thống tài chính toàn cầu

Trái phiếu kho bạc Mỹ từ lâu đóng vai trò tài sản "phi rủi ro" toàn cầu, là thước đo định giá cho mọi thứ từ cổ phiếu, trái phiếu chính phủ các nước khác cho đến lãi suất thế chấp, đồng thời được dùng làm tài sản thế chấp cho hàng nghìn tỷ USD giao dịch mỗi ngày.

“Trái phiếu và đồng USD có được sức mạnh là nhờ vào cách thế giới nhìn nhận năng lực quản lý tài khóa và tiền tệ của Mỹ, cũng như độ vững chắc của thể chế chính trị và tài chính nước này,” ông Jim Grant, nhà sáng lập bản tin tài chính nổi tiếng Grant’s Interest Rate Observer, nhận định. “Có lẽ thế giới đang bắt đầu xem xét lại”.

Chứng khoán, trái phiếu và đồng USD cùng lao dốc trong phiên thứ Năm, làm dấy lên lo ngại rằng nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt rút khỏi tài sản Mỹ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng vọt 13 điểm cơ bản lên 4,87%, trong khi USD mất giá mạnh nhất trong một thập kỷ so với euro và franc Thụy Sĩ. Đợt bán tháo lan rộng tiếp tục kéo dài sang ngày thứ Sáu.

“Trái phiếu kho bạc không còn coi như một nơi trú ẩn an toàn”, chiến lược gia Padhraic Garvey của ING nhận định. “Nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, có thể lợi suất sẽ quay đầu giảm. Nhưng hiện tại, thị trường đang xem trái phiếu kho bạc là một sản phẩm mang tính rủi ro, điều đó khiến nhà đầu tư không mấy dễ chịu. Chúng thậm chí đang trở thành một khoản đầu tư đau đầu”.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng tin rằng nhà đầu tư đã mất niềm tin vào nợ công Mỹ.

Ông Benson Durham, trưởng bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu tại Piper Sandler và từng là chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang, cho biết, một số chỉ số cho thấy nhà đầu tư hiện không yêu cầu mức bù rủi ro cao hơn nhiều so với trái phiếu Đức hay Anh. Ông cho rằng các yếu tố kỹ thuật, như việc các quỹ phòng hộ đang tháo gỡ các giao dịch đòn bẩy liên quan đến chênh lệch giữa trái phiếu kho bạc và hợp đồng hoán đổi lãi suất, cũng góp phần gây ra đợt bán tháo gần đây.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan của ông Trump đối với tăng trưởng và lạm phát đang khiến dòng tiền chảy mạnh về tiền mặt, buộc giới đầu tư phải thanh lý cả những tài sản chất lượng cao.

“Người ta có lý khi lo lắng về cách điều hành nền kinh tế hiện tại,” ông Durham nói. “Nhưng ít nhất là đến lúc này, tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy tài sản Mỹ đang bị trừng phạt một cách đặc biệt”.

Thị trường đang vận động bất thường

Kể từ khi ông Trump tuyên bố tăng thuế đối với hàng chục quốc gia vào ngày 2/4, chứng khoán Mỹ đã giảm 7%. Nhưng thay vì giảm theo, lợi suất trái phiếu 30 năm lại tăng tới 40 điểm cơ bản, đây là lần thứ 5 kể từ những năm 1970 mà hai chuyển động lớn này xảy ra đồng thời.

Việc lợi suất tăng mạnh như vậy gây rủi ro cho cam kết của ông Trump về việc cắt giảm thuế và kiểm soát thâm hụt ngân sách, và cũng chính là lý do khiến ông tuyên bố tạm hoãn tăng thuế trong 90 ngày đối với một số nước.

“Lãi suất dài hạn đang tăng vọt trong khi thị trường chứng khoán lao dốc, đó là tín hiệu cho thấy thị trường đang đối xử với Mỹ như một nước mới nổi đầy rủi ro,” ông Summers viết trên mạng xã hội. “Điều này có thể kéo theo hàng loạt vòng xoáy tiêu cực, nhất là khi xét đến mức nợ và thâm hụt của chính phủ Mỹ cùng sự phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài”.

Nếu giới đầu tư nước ngoài thực sự rút lui, hậu quả sẽ rất lớn. Họ đang nắm giữ khoảng 7.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, 19.000 tỷ USD cổ phiếu và 5.000 tỷ USD nợ doanh nghiệp, tương đương 20-30% tổng thị trường, theo ông Torsten Slok, kinh tế trưởng tại Apollo Global Management.

Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư ôm tiền mặt tháo chạy: Chuyện gì đã xảy ra tại siêu cường số 1 thế giới? - ảnh 2
Trái phiếu kho bạc Mỹ đang giao dịch giống như một tài sản rủi ro

Lịch sử cho thấy, một khi nhà đầu tư quay lưng, chi phí vay của Mỹ có thể tăng cao trong thời gian dài.

3 năm trước, phản ứng tiêu cực với kế hoạch cắt giảm thuế không có nguồn tài trợ của Thủ tướng Anh Liz Truss đã khiến lợi suất trái phiếu nước này tăng vọt và đồng bảng Anh vẫn chưa thể phục hồi kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016.

“Các chính sách thuế quan lúc có lúc không khiến thị trường không thể tin tưởng, tạo ra một mức phí bất định,” ông Shamil Gohil, quản lý danh mục tại Fidelity International, cho biết. “Thâm hụt ngân sách lớn sẽ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của nợ công, buộc nhà đầu tư yêu cầu mức bù rủi ro cao hơn để nắm giữ trái phiếu Mỹ”.

Ông Nathan Thooft, quản lý cấp cao tại Manulife Investment Management, thừa nhận rằng dù trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn là thị trường có quy mô và chất lượng hàng đầu, nhưng những gì xảy ra gần đây đã bào mòn niềm tin của nhà đầu tư.

“Suốt thập kỷ qua, các cú sốc chính sách hay địa chính trị thường đến từ bên ngoài nước Mỹ. Nhưng lần này thì khác. Và điều đó khiến giới đầu tư ít tin tưởng hơn vào tài sản Mỹ, cả cổ phiếu lẫn trái phiếu. Có lẽ đã có những tổn hại lâu dài”, ông nói.

Khác biệt lần này còn đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – lo ngại rằng thuế quan sẽ khiến lạm phát tăng cao – không còn sẵn sàng “giải cứu” thị trường trái phiếu bằng cách hạ lãi suất như trước.

“Giờ đây, bạn không thể trông cậy vào trái phiếu dài hạn như một công cụ phòng hộ nữa,” ông Russell Brownback, quản lý danh mục tại BlackRock, kết luận. “Đây chính là kỷ nguyên mới của thị trường thu nhập cố định”.

>> Khẩn cấp đưa 600 tấn iPhone lên máy bay về Mỹ, chuyện gì đang xảy ra?

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, liệu Trung Quốc có bán tháo tài sản an toàn nhất thế giới để đáp trả thuế quan?

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu với tốc độ không tưởng rồi đổ vào trái phiếu, chuyện gì đang xảy ra?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trai-phieu-bi-ban-thao-o-at-nha-dau-tu-om-tien-mat-thao-chay-chuyen-gi-da-xay-ra-tai-sieu-cuong-so-1-the-gioi-140249.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư ôm tiền mặt tháo chạy: Chuyện gì đã xảy ra tại siêu cường số 1 thế giới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH