Từ 10% đến 125%, hơn 580 tỷ USD rơi vào vòng xoáy: Trò chơi sức bền giữa hai siêu cường Mỹ - Trung
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là màn so găng thuế quan mà còn là cuộc đối đầu chiến lược toàn diện, đặt cược vào khả năng chịu đựng của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc – đang bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có, khi cả hai bên đều gia tăng các biện pháp áp thuế và thể hiện quyết tâm không nhượng bộ. Diễn biến mới nhất cho thấy đây không còn đơn thuần là mâu thuẫn thương mại, mà là màn thể hiện quyền lực và chiến lược cạnh tranh dài hạn.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố kế hoạch áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, bắt đầu từ ngày 5/4. Điều khiến thị trường toàn cầu choáng váng là mức thuế áp dụng cho một loạt đối tác thương mại lớn vượt xa mọi dự đoán trước đó.
Cụ thể, các nền kinh tế như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Ấn Độ phải đối mặt với mức thuế từ 20% đến 26%. Đáng chú ý, Trung Quốc – mục tiêu trọng tâm trong chiến lược thương mại của Mỹ – chịu mức thuế cao nhất lên tới 34%.
Ngay lập tức, động thái này làm dấy lên làn sóng lo ngại trong cộng đồng quốc tế. Lãnh đạo nhiều nền kinh tế đối tác lớn của Mỹ đã chủ động liên hệ với chính quyền Mỹ để tìm kiếm đối thoại, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ thương mại mạnh tay này.

Trái ngược với sự lo lắng của nhiều quốc gia, Trung Quốc giữ thái độ điềm tĩnh và kiên quyết. Bắc Kinh không lựa chọn con đường đàm phán ngay lập tức hay nhượng bộ, mà tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Trung Quốc liên tục đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng – được ví như các “đòn ăn miếng trả miếng” – mỗi khi Washington công bố thêm một gói áp thuế mới.
Giới chức Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia bằng mọi giá và sẵn sàng chịu đựng thiệt hại kinh tế tạm thời để duy trì vị thế chiến lược trong dài hạn.
Cuộc chiến không chỉ là thuế quan
Nhiều nhà quan sát nhận định rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là tranh chấp về thuế hay thâm hụt thương mại. Ẩn sau các biện pháp kinh tế là một cuộc cạnh tranh toàn diện về công nghệ, ảnh hưởng địa chính trị và vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Cuộc đối đầu hiện tại được ví như một “cuộc thi gan” giữa hai cường quốc. Cả Washington và Bắc Kinh đều sở hữu những quân bài chiến lược trong tay – từ công nghệ, chuỗi cung ứng toàn cầu, đến ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế – và không bên nào muốn là kẻ “chớp mắt trước”.
Tình trạng leo thang căng thẳng thương mại không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc, mà còn lan rộng tới các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, và các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong môi trường đầy bất ổn.
Nếu cuộc chiến kéo dài, không loại trừ khả năng xảy ra suy giảm kinh tế diện rộng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm chạp sau đại dịch.
Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc vốn là những đối tác thương mại then chốt của nhau, với kim ngạch trao đổi hàng năm lên đến hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017, chính quyền Mỹ đã chuyển từ tư duy hợp tác sang cạnh tranh toàn diện, coi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" trong cả thương mại lẫn công nghệ.
Cuộc chiến thương mại được khởi động chính thức vào đầu tháng 2, khi Tổng thống Trump tuyên bố áp mức thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh không chần chừ đáp trả, áp dụng mức thuế 10-15% với nhiều mặt hàng của Mỹ. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 3, Washington tiếp tục gia tăng sức ép với một đợt áp thuế mới 10%, khiến Trung Quốc phải mở rộng danh sách hàng hóa Mỹ chịu thuế cao hơn.
Đỉnh điểm leo thang xảy ra trong tuần đầu tháng 4. Sau khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố áp mức thuế bổ sung 34% lên hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4.
Tuy nhiên, thay vì làm chùn bước chính quyền Mỹ, động thái này lại dẫn đến phản ứng cứng rắn hơn: ngày 7/4, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ tiếp tục nâng mức thuế lên đến 50%, nếu Trung Quốc vẫn kiên định với lập trường trả đũa.
Khi mức thuế 84% của Mỹ có hiệu lực vào ngày 9/4 – một con số gây sốc với cả giới đầu tư và các doanh nghiệp toàn cầu – Trung Quốc đã ngay lập tức phát đi thông điệp mạnh mẽ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm, tuyên bố rằng Bắc Kinh “không bao giờ chấp nhận hành vi ngạo mạn và bắt nạt”, đồng thời khẳng định “sẽ đáp trả một cách chắc chắn”.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 84% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ kể từ 10/4. Không dừng lại ở đó, Bộ Thương mại Trung Quốc còn đưa ra động thái mang tính răn đe sâu rộng hơn: 12 công ty Mỹ bị đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, và 6 doanh nghiệp bị liệt vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”.
Diễn biến cứng rắn từ Bắc Kinh dường như đã đi ngược lại với kỳ vọng của Washington. Tổng thống Trump trong cùng ngày 9/4 bày tỏ kỳ vọng rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm gọi điện đàm phán, đồng thời khẳng định Trung Quốc “rất muốn đàm phán, chỉ là chưa biết nên bắt đầu từ đâu”.
Tuy nhiên, chưa đầy 6 giờ sau phát biểu này, ông Trump bất ngờ đưa ra một động thái điều chỉnh: tăng thuế với Trung Quốc từ 104% lên 125%, đồng thời giảm thuế đối ứng với các quốc gia khác còn 10% và hoãn thi hành trong 90 ngày.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh hơn 75 quốc gia đã liên hệ với Washington để thương lượng các thỏa thuận thương mại riêng biệt và cam kết “không trả đũa” trước chính sách thuế của Mỹ.
Những con số và tuyên bố đầy biến động trong một khoảng thời gian ngắn cho thấy tính chất khó lường và mức độ căng thẳng cực độ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giới chuyên gia đánh giá rằng các nước còn lại đang bị cuốn vào vòng xoáy ảnh hưởng, và cuộc chiến này không chỉ là về thương mại mà còn là lời tuyên bố quyền lực giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.
Cuộc kiểm tra sức bền giữa hai siêu cường
“Điều chúng ta đang chứng kiến là cuộc thi gan xem ai có thể chịu đau tốt hơn. Cuộc chiến này đã vượt ra ngoài phạm vi tính toán lợi ích kinh tế thuần túy,” chuyên gia Mary Lovely từ Viện Peterson (Mỹ) nhận định. Theo bà, dù nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng chững lại, quốc gia này vẫn kiên quyết đối đầu và không có dấu hiệu lùi bước trước những áp lực ngày càng tăng từ Washington.
Phó giáo sư Gu Qingyang, thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), cho rằng Trung Quốc đang ở thế sẵn sàng cho “trò chơi sức bền” này. Những tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Mỹ đã được Bắc Kinh tính toán và đưa vào kịch bản kiểm soát. Hơn nữa, Trung Quốc đã chủ động thích nghi với bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động trong nhiều năm gần đây.
Thực tế cho thấy Trung Quốc đang từng bước tái cấu trúc nền kinh tế, giảm mạnh sự phụ thuộc vào xuất khẩu– từ mức 67% GDP vào năm 2006 xuống còn khoảng 33% vào năm 2023. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm đáng kể, hiện chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Thay vào đó, nước này tích cực mở rộng các thị trường thay thế tại châu Phi và Mỹ Latin. Trong nội địa, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn do tác động của căng thẳng thương mại.
Theo ông Alfredo Montufar-Helu – cố vấn cao cấp tại The Conference Board – nếu Trung Quốc đơn phương nhượng bộ, nước này sẽ bị coi là yếu thế và có thể phải đối mặt với các yêu sách lớn hơn từ phía Mỹ. Ông khẳng định: “Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chùn bước và chủ động gỡ bỏ các rào cản thuế quan.”
Trong bài xã luận đăng ngày 10/4, tờ Global Times – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – khẳng định rằng Mỹ, với tư cách là nền kinh tế dẫn đầu thế giới, đã lâu nay được hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu. Khi nội bộ kinh tế Mỹ gặp vấn đề mang tính cơ cấu, Washington lại tìm cách chuyển gánh nặng sang các nước khác, thay vì giải quyết tận gốc vấn đề.
Ở chiều ngược lại, giới phân tích đặt câu hỏi liệu Mỹ có thể nhanh chóng tìm được nguồn cung thay thế cho Trung Quốc – đối tác thương mại có vai trò then chốt – hay không. Đây được coi là một trong những điểm yếu chiến lược của Mỹ trong cuộc đối đầu này, khi nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc đáng kể vào hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo báo cáo công bố tháng 2 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Mỹ trong năm 2024, với tổng kim ngạch hơn 580 tỷ USD. Trung Quốc đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và là nguồn cung hàng hóa nhập khẩu lớn thứ ba của Mỹ. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính, và đồ chơi.
Dự báo từ công ty tài chính Rosenblatt Securities cho thấy, nếu mức thuế mới tăng tiếp tục được áp dụng, giá iPhone tại Mỹ – vốn là biểu tượng tiêu dùng phổ biến – có thể tăng từ 799 USD lên 1.142 USD, chỉ với mức thuế 54%. Nếu thuế vượt ngưỡng này, giá cả hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ có nguy cơ tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Diana Choyleva từ công ty tư vấn Enodo Economics (Anh) nhấn mạnh: “Tổng thống Trump sẽ khó có thể đổ lỗi cho Trung Quốc trong tình huống này, bởi chính các chính sách thuế của ông đang tác động trở lại nền kinh tế Mỹ.”
Trong bối cảnh hiện tại, giới chuyên gia đồng thuận rằng xung đột Mỹ - Trung đã vượt xa khái niệm một cuộc chiến thuế thông thường. Đây là sự va chạm giữa hai mô hình phát triển kinh tế và hai tầm nhìn chiến lược về trật tự toàn cầu. Khi các đòn thuế chỉ là biểu hiện bề mặt, ẩn sâu là một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị và công nghệ, nơi không có chỗ cho sự lùi bước.
Dù Trung Quốc thể hiện lập trường cứng rắn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đối đầu dài hơi, không phải mọi chuyên gia đều lạc quan về khả năng "miễn nhiễm" trước tác động của cuộc chiến thuế quan. Giáo sư Wang Yuesheng, Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn có nguy cơ chịu tổn thất lớn hơn so với Mỹ.
Lý do là các mặt hàng chủ lực mà Trung Quốc sản xuất – từ hàng tiêu dùng điện tử đến đồ chơi, thiết bị gia dụng – chủ yếu nhằm phục vụ thị trường Mỹ, nền kinh tế có sức tiêu thụ hàng đầu thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác sẽ không dễ dàng, nhất là trong ngắn hạn. Ngoài ra, môi trường thương mại bất ổn do đòn thuế trả đũa có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại, làm chậm lại dòng vốn đổ vào Trung Quốc – một yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh dường như đang áp dụng một chiến lược đặt cược vào yếu tố thời gian và áp lực chính trị nội bộ tại Mỹ. Giáo sư Evan Medeiros, chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Đại học Georgetown, cho rằng Trung Quốc đang kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ chịu sức ép từ dư luận, giới doanh nghiệp và quốc hội Mỹ, buộc ông phải xem xét lại chính sách thuế.
“Trung Quốc đang kháng cự những đợt tấn công của Mỹ với niềm tin rằng họ có thể chịu đựng lâu hơn đối phương,” ông Medeiros nhận định.
Tham khảo South China Morning Post, Guardian, AP
>> Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Không loại trừ khả năng hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc trên TTCK Mỹ