Từ 1/9-10/1/2019, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã: FLC, HAI, ROS, KLF, GAB, AMD.
Chiều nay (ngày 4/6/2022), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi như vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á.
Đối với vụ án tại FLC, kết quả điều tra ban đầu xác định từ ngày 1/9-10/1/2019, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng. Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư.
Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Vào hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, ông Trịnh Văn Quyết và hàng loạt lãnh đạo của Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thao túng giá cổ phiếu "nhà" FLC hồi tháng 1/2022.
Kết phiên 3/6, 4 trên 6 mã họ FLC giảm điểm; 2 mã còn lại đứng giá. Cụ thể, cổ phiếu AMD còn 3.700 đồng/cp; FLC về mức 5.600 đồng/cp; KLF đứng giá ở 3.900 đồng/cp; ROS xuống còn 3.570 đồng/cp; HAI về 2.790 đồng/cp; GAB đứng ở mốc tham chiếu 196.400 đồng/cp.