Hồi đầu tháng 12 HAGL Agrico thông báo quyết định đóng cửa một chi nhánh chuyên lĩnh vực chế biến hoa quả đặt tại TP Pleiku do ông Nguyễn Hoàng Phi đứng đầu.
Ngày 25/12, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) thông báo nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thống nhất chủ trương góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào nhằm thực hiện dự án đầu tư tại nước CHDCND Lào. Dự kiến công ty có địa chỉ tại quốc lộ 18B, Km 30, bản Hatxan, huyện Saysettha, tỉnh Attapeu, Lào.
Vốn điều lệ dự kiến là 8.300 tỷ kíp (tương đương 400 triệu USD), trong đó HAGL Agrico sở hữu 100%. Công ty này được thành lập theo chủ trương sáp nhập Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu và Công ty TNHH Công nghiệp và Nông nghiệp Cao su Hoàng Anh Quang Minh. Lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư và sản xuất nông nghiệp.
Người đại diện quản lý phần vốn góp tại công ty con này là ông Trần Bảo Sơn - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty HAGL Agrico.
Nghị quyết này của HAGL Agrico công bố ngay sau khoảng 20 ngày Công ty thông báo quyết định đóng cửa một chi nhánh chuyên lĩnh vực chế biến hoa quả, đặt tại số 15 Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai do ông Nguyễn Hoàng Phi đứng đầu.
> > Mảng chủ lực “kém sáng”, HAGL Agrico (HNG) quyết định đóng cửa chi nhánh tại Gia Lai
Động thái tái cơ cấu này của HAGL Agrico diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của công ty liên tục đi xuống. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, HAGL Agrico đã trải qua 10 quý thua lỗ liên tiếp với quy mô lỗ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ mỗi quý.
Trong quý III/2023, doanh thu HAGL Agrico ghi nhận gần 160 tỷ đồng và khoản lỗ 199 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu 438,29 tỷ đồng, báo lỗ 446 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh những năm gần đây của HAGL Agrico (Đơn vị: tỷ đồng) |
Tính đến cuối quý III/2023, HAGL Agrico lỗ lũy kế 7.450 tỷ đồng. Nhờ vốn điều lệ lớn, trên 11.000 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu của HAGL Agrico vẫn dương. Kinh doanh dưới giá vốn và đã trải qua nhiều quý thua lỗ, rất có thể HNG tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm trong năm 2023. Trước đó năm 2021, công ty này lỗ 1.110 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 3.576 tỷ đồng.
Theo khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Như vậy, HAGL Agrico nếu thua lỗ 3 năm liên tiếp, hoàn toàn sẽ đối mặt nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.
Kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều năm liên tiếp cũng khiến giá cổ phiếu HNG bị ảnh hưởng. Từ tháng 9/2020, cổ phiếu HNG bị chuyển sang diện cảnh báo và bị HoSE duy trì tình trạng cảnh báo do công ty vẫn đang lỗ luỹ kế rất lớn.
Đến tháng 4/2023, HNG đã bị chuyển sang diện kiểm soát do số lỗ luỹ kế trên BCTC năm 2022 của công ty đã lên tới 7.003 tỷ đồng
Diễn biến giá cổ phiếu HNG 1 năm gần đây |
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 diễn ra sáng 27/4, trả lời thắc mắc của cổ đông về nguy cơ cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT cho rằng, nếu có giải pháp thoát niêm yết thì công ty cũng đã thực hiện rồi và cổ đông cần "chấp nhận" bởi "thực sự không còn giải pháp nào nữa". Theo tiết lộ, mục tiêu đến năm 2025, HNG sẽ ghi nhận mức lợi nhuận khoảng 926 tỷ đồng.
> > HAGL Agrico (HNG) lỗ quý thứ 10 liên tiếp, đang nợ HAGL hơn 1.300 tỷ đồng