Trung khảo - kỳ thi 'quyết định đời người' ở Trung Quốc

28-06-2023 07:26|Bắc Hiệp - Theo Sixth Tone

Trung Quốc quy định rằng khoảng một nửa số học sinh tốt nghiệp cấp 2 sẽ lên cấp 3, trong khi nửa còn lại theo học trường dạy nghề hoặc phải bỏ học. Chính sách này, cũng như những lo ngại lâu nay về chất lượng của các trường dạy nghề, đang làm tăng rủi ro cho học sinh tham gia kỳ thi zhongkao (trung khảo) của Trung Quốc.

Đứng dưới cơn mưa lất phất ở Thượng Hải, Chen Lianting đợi đứa con đầu lòng của cô hoàn thành kỳ thi quan trọng đầu tiên trong đời, kỳ thi trung khảo.

“Trung khảo giờ còn quan trọng hơn nhiều so với cao khảo (kỳ thi đại học)”, Chen nói.

Giống như Chen, nhiều phụ huynh Trung Quốc ngày nay cho rằng kỳ thi cấp 3 mới thực sự định nghĩa cuộc đời một con người. “Các bậc cha mẹ coi trọng kỳ thi này đến mức các đồng nghiệp của tôi đi thi đã xin nghỉ vài ngày để dồn sức cho con", Chen cho biết.

Hơn 15,4 triệu học sinh trên toàn Trung Quốc đã bắt đầu bước vào mùa thi trung khảo kéo dài tới đầu tháng 7. Các kỳ thi đã được tổ chức ở khoảng một nửa số khu vực cấp tỉnh của đất nước, bao gồm Thượng Hải, Chiết Giang, Sơn Đông và Tứ Xuyên, trong khi các khu vực khác như Bắc Kinh, Hà Nam và Quảng Đông sẽ tổ chức kỳ thi vào tuần này.

Một phần lý do khiến các phụ huynh lo lắng là bởi tỷ lệ đỗ vào trung khảo chỉ 50% theo quy định của Bộ Giáo dục. Khoảng một nửa số học sinh thi đỗ sẽ được theo học tại các trường cấp 3 và có cơ hội tham gia thi cao khảo, trong khi một nửa số học sinh có điểm thấp hơn sẽ học ở trường dạy nghề hoặc thậm chí bỏ học hoàn toàn.

Ngày càng có nhiều cuộc tranh luận về tính cạnh tranh của trung khảo. Những người chỉ trích cho rằng nó gây áp lực quá mức lên học sinh và phụ huynh, đồng thời cũng không công bằng với những học sinh có điểm thấp, vốn chưa có nhiều suy nghĩ sâu xa về triển vọng nghề nghiệp. Trong khi đó, những người ủng hộ sáng kiến 50% cho rằng quy định này sẽ giải quyết tình trạng thiếu lao động trên thị trường việc làm về lâu dài.

Vào mùa thi năm ngoái, một giáo sư Đại học Tứ Xuyên đã đề xuất hoãn lựa chọn giữa học cấp 3 và học nghề, để mọi học sinh đều có thể học cấp 3 bình thường.

“Việc cho phép học sinh đưa ra những lựa chọn quan trọng như vậy khi chúng trưởng thành hơn là tuân theo quy luật tự nhiên của sự trưởng thành và phát triển của thanh thiếu niên. Điều đó cũng cho phép nhiều trẻ em có tiềm năng đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho tương lai của chúng", vị giáo sư này cho biết.

Thành công ở tuổi 15

Mặc dù các đề thi sẽ khác nhau từ khu vực, nhưng tất cả thí sinh thi trung khảo đều phải thi môn tiếng Trung, Toán, Ngoại ngữ và các môn bổ sung như Vật lý, Hóa học hoặc Lịch sử.

Dựa trên số điểm bản thân ước tính và tham khảo dữ liệu tuyển sinh của những năm trước, thí sinh sau đó đăng ký danh sách các trường trung học theo nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được nhận vào một trường mà các điểm số của các em đạt ngưỡng sàn.

“Hàng năm, hơn 100 học sinh trong một thành phố có cùng số điểm, do đó, một điểm duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong thứ hạng”, một phụ huynh có con gái vừa thi trung khảo ở Hạ Môn (Phúc Kiến) cho biết.

Bị ảnh hưởng bởi hệ thống thi cử của Trung Quốc, cả trung khảo và cao khảo đều được xã hội nước này coi là những bước quan trọng để leo lên nấc thang xã hội, đặc biệt là đối với những đứa trẻ kém may mắn.

Mặc dù học sinh tốt nghiệp trung học dạy nghề có tỷ lệ việc làm rất cao lên tới 95%, nhưng nhiều em chỉ được nhận làm các công việc “cấp thấp” và ít có khả năng thăng tiến. Do đó, các bậc cha mẹ thường có quan điểm tiêu cực về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là ở cấp trung học, nhiều học sinh học nghề thường hứng chịu định kiến của xã hội.

Đối với một người cha họ Ni đến từ Thượng Hải, việc đi học trường dạy nghề có thể gây bất lợi cho con trai ông. “Học sinh cấp 2 còn quá trẻ và chưa trưởng thành về mặt tinh thần. Đến một trường dạy nghề với môi trường xấu có thể hủy hoại cuộc đời đứa trẻ. Mặt khác, học ở một trường trung học bình thường, ngay cả khi đứa trẻ không thể tiến bộ trong học tập, thì ít nhất nó sẽ không trở thành một người xấu", người cha này nói.

Việc chính phủ Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào giáo dục phổ thông chính quy cũng làm tăng thêm những nhận thức tiêu cực về các trường trung học dạy nghề. Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, chỉ ra rằng các trường dạy nghề nhận được ít đầu tư của nhà nước hơn mặc dù chi phí cao hơn.

Háo hức tạo cho con cái cơ hội tốt nhất có thể để tránh học nghề, các bậc cha mẹ như Chen ở Thượng Hải tìm mọi cách để con mình vượt trội. Năm ngoái, trong khi các bạn cùng lớp của con đang tham gia các khóa học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, Chen đã tìm một trường luyện thi trực tiếp cho con trai mình.

Sự cạnh tranh khốc liệt và kỳ vọng của cha mẹ đang gây ra căng thẳng tâm lý rất lớn cho học sinh ở lứa tuổi 15. Hầu như trong suốt năm qua, em Zheng Jindong ở Thượng Hải, học sinh nằm trong top 20 của trường, đều đặn dành 17 tiếng mỗi ngày để luyện thi.

“Đôi khi áp lực là từ gia đình và thầy cô, đôi khi là từ chính bản thân em”, cậu bé 15 tuổi nói. Có thời điểm, Zheng nhờ mẹ mua thuốc ngủ. “Cứ nhắm mắt em lại nghĩ đến những con số và đáp án".

Zheng không hề đơn độc. Gần 15% trẻ em ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 10 đến 16 bị trầm cảm ở các mức độ khác nhau, theo dữ liệu từ một nghiên cứu do Viện Tâm lý học Trung Quốc thực hiện vào năm 2022. Dư luận thành phố Thiên Tân đã rúng động khi chỉ trong vòng 5 ngày cuối tháng 3, đã có 7 thanh thiếu niên tự tử do áp lực học tập.

Nhận thấy quan điểm tiêu cực của xã hội về các trường dạy nghề, giới chức giáo dục đã đưa ra một loạt các biện pháp trong những năm gần đây để cải thiện nhận thức của công chúng. Năm ngoái, chính phủ bắt đầu cho phép học sinh trường dạy nghề thi cao khảo và lần đầu tiên đăng ký vào các trường đại học chính quy. Trung Quốc cũng thúc đẩy các doanh nghiệp coi trọng các kỹ năng nghề nghiệp và nâng cấp hệ thống chức danh nghề nghiệp cho công nhân lành nghề.

Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế của giáo dục nghề nghiệp cũng được thúc đẩy bởi sự mất cân bằng cơ cấu trong thị trường việc làm, khi tình cảnh "thừa thầy, thiếu thợ" ngày càng gia tăng.

Theo chuyên gia Chu Zhaohui, một xã hội bình thường là khi có nhiều sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng nhờ các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể của họ, thay vì nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ có kiến thức chung chung.

“Chìa khóa của cải cách kỳ thi trung khảo là đảm bảo nó phân loại học sinh theo những gì chúng giỏi thay vì một công cụ để phân tầng xã hội", ông Chu nói.

Trái tim và khối óc

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc, rất khó để xóa bỏ định kiến về giáo dục nghề nghiệp. Một phần lý do là bởi tỷ lệ nhập học trong kỳ thi trung khảo thấp hơn so với cao khảo.

Với việc Trung Quốc mở rộng hệ thống giáo dục đại học từ những năm 1980, tỷ lệ nhập học đại học đã tăng đáng kể từ 58,9% năm 2001 lên hơn 90% vào năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ nhập học trung học chính quy chỉ tăng nhẹ từ 58,25% năm 2001 lên 64,92% năm 2021.

Sự tương phản rõ rệt về tỷ lệ nhập học đồng nghĩa với việc những học sinh được nhận vào các trường trung học thông đều có cơ hội học đại học. Đồng thời, kỳ thi trung khảo chỉ gần như chỉ cho phép thí sinh được thi một lần trong đời, trong khi cao khảo thì diễn ra không giới hạn độ tuổi và số lần.

Hãng tin Tân Hoa Xã đã cố gắng làm rõ rằng tỷ lệ nhập học trung học phổ thông không nhất thiết phải thấp hơn tỷ lệ nhập học đại học chính quy. Tuy nhiên, niềm tin phổ biến rằng kỳ thi trung khảo khó vượt qua kỳ thi cao khảo đã “bắt nguồn từ tâm trí của người dân”, theo một bài bình luận trên Tân Hoa Xã.

Áp lực đối với học sinh còn đến từ chính giáo viên. Sau kỳ thi trung khảo năm nay ở Nam Xương (tỉnh Giang Tây), một người cha phát hiện ra rằng cậu con trai học kém của mình đã trượt kỳ thi dưới sự tác động của giáo viên. Giáo viên ở Trung Quốc thường phải chịu áp lực rất lớn trong việc nâng cao điểm số của học sinh, với một số giáo viên bị đe dọa đình chỉ công tác nếu điểm số của học sinh ảnh hưởng tới thành tích chung.

Liu Cuicui, một bà mẹ ở Hợp Phì (tỉnh An Huy), có con gái chuẩn bị thi trung khảo vào năm tới, nhận ra rằng những kỳ thi này không đáng sợ như nhiều người vẫn quan niệm. Bà mẹ này cho biết nhiều người quen của cô đã cho theo học ở những thành phố nhỏ để tăng cơ hội đỗ cấp 3.

“Không dễ để xóa bỏ định kiến về giáo dục nghề nghiệp và chắc chắn sẽ mất thời gian. Cha mẹ không muốn đặt cược tương lai của con cái họ vào những điều không chắc chắn như vậy", Liu nói.

Profile của doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc cùng Vingroup (VIC) thực hiện dự án gần 20.000 tỷ đồng

Thiệt hại hơn 1 tỷ USD, bị tẩy chay toàn quốc, tỷ phú giàu thứ 2 Trung Quốc yêu cầu nhà sáng lập ByteDance xin lỗi

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/trung-khao-ky-thi-quyet-dinh-doi-nguoi-o-trung-quoc-post135777.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trung khảo - kỳ thi 'quyết định đời người' ở Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH