Trung Quốc dự định bơm 137 tỷ USD vực dậy nền kinh tế
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang gây ra gánh nặng cho mọi thứ, từ giá cổ phiếu cho tới giá hàng hóa và cả kết quả kinh doanh của những tập đoàn đa quốc gia như Nike hay LVMH.
Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc đang xem xét nâng mức thâm hụt ngân sách năm 2023 để có thể tung ra một đợt kích thích mới nhằm giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cân nhắc phát hành thêm ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn huy động được sẽ dùng để chi cho cơ sở hạ tầng.
Nếu kế hoạch này được triển khai sẽ đồng nghĩa Bắc Kinh chuyển hướng chính sách điều hành chính sách kinh tế. Lâu nay dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp nhiều khó khăn, chính phủ Trung Quốc vẫn tránh tung ra 1 gói kích thích tài khóa lớn vì lo ngại rủi ro tài chính. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều học giả từ cả các think tank trong nước cũng như tổ chức nước ngoài kêu gọi giới chức nới lỏng mục tiêu thâm hụt ngân sách (vốn đang được đặt ở mức dưới 3% GDP).
Quỹ đầu tư quốc gia mua lượng lớn cổ phiếu để vực dậy thị trường
Bên cạnh đó, lần đầu tiên kể từ năm 2015, quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc đã tăng lượng cổ phần nắm giữ tại các ngân hàng lớn nhất nước. Sự kiện này làm dấy lên đồn đoán rằng các cơ quan chứ năng sẽ tăng cường nỗ lực giải cứu thị trường chứng khoán.
Quỹ đầu tư nhà nước Central Huijin Investment đã mua vào khoảng 65 triệu USD cổ phiếu tại các ngân hàng Bank of China, ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và ngân hàng Công nghiệp thương mại Trung Quốc. Quỹ này có dự định sẽ tăng cường mua vào trong 6 tháng tới.
Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng bất động sản chưa tìm thấy đáy và áp lực giảm phát gia tăng khiến mục tiêu tăng trưởng 5% bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế và quỹ đầu cơ kêu gọi chính phủ Trung Quốc can thiệp trực tiếp bằng cách lập quỹ bình ổn để mua cổ phiếu. Tuy nhiên, giới chức vẫn tránh sử dụng biện pháp này kể từ cú sụp đổ của TTCK Trung Quốc năm 2015.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc qua các năm và dự báo cho 2 năm 2023, 2024. |
Chỉ số CSI 300 đã giảm hơn 5% kể từ đầu năm đến nay dù những hi vọng về 1 gói kích thích mới giúp thị trường thăng hoa vào hôm qua (11/10). Trong đó, nhóm các cổ phiếu tài chính giảm 1,5%, hướng tới năm giảm thứ 3 liên tiếp.
Có vẻ như các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng và giải cứu thị trường bất động sản vẫn chưa thể ngăn cá nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán tháo cổ phiếu Trung Quốc.
Cả 3 tờ báo về chứng khoán lớn nhất Trung Quốc đều đưa tin về đợt mua cổ phiếu ngân hàng của quỹ đầu tư nhà nước trên trang nhất, nhận định động thái này là bước tiến lớn để hỗ trợ TTCK và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Quỹ Huijin lần đầu mua lượng lớn cổ phiếu ngân hàng trên thị trường thứ cấp vào năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất. Từ 2008 đến 2015 quỹ vẫn liên tục thực hiện những đợt mua cổ phiếu tương tự. Thông thường, động thái của Huijin sẽ giúp thị trường tăng điểm.
Hiện Huijin nắm giữ cổ phần tại 19 định chế tài chính, trong đó có nhiều ngân hàng và công ty môi giới chứng khoán.
TTCK Trung Quốc đang nằm trong nhóm có diễn biến tệ nhất thế giới kể từ đầu năm đến nay và còn bị khối ngoại rút đi lượng vốn kỷ lục. Chính phủ nước này đã tung ra một số biện pháp trấn an nhà đầu tư như giảm phí giao dịch và phí chuyển nhượng, cũng như nới lỏng quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết nội địa.
Liệu có thể vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây ra gánh nặng cho mọi thứ, từ giá cổ phiếu cho tới giá hàng hóa và cả kết quả kinh doanh của những tập đoàn đa quốc gia như Nike hay LVMH.
Theo Xiaojia Zhi, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Credit Agricole, dù quy mô gói kích thích khá khiêm tốn (dự đoán chỉ khoảng 0,7% GDP), thông điệp mà thị trường nhận được sẽ rất tích cực và sẽ tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Những tháng gần đây, Trung Quốc chủ yếu đưa ra những biện pháp kích thích tiền tệ một cách rời rạc. NHTW Trung Quốc hạ lãi suất chủ chốt, bơm thêm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng, tăng biện pháp hỗ trợ sức chi tiêu của các hộ gia đình cũng như hỗ trợ lực cầu trên thị trường bất động sản.