Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự kiến bơm 140 tỷ USD cho thị trường
Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) sẽ giải phóng thanh khoản, giúp các ngân hàng có thể gia hạn các khoản vay và mua thêm trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo thông tin từ Bloomberg, ngày 24/1, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ông Pan Gongsheng cho biết Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng vào đầu tháng 2 để tăng cung tiền và hỗ trợ nền kinh tế.
Phát biểu trong buổi họp báo, ông cho biết, PBOC sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào ngày 5/2, dự kiến sẽ cung cấp 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn cho thị trường. Lần cuối cùng tỷ lệ này được cắt giảm diễn ra vào tháng 9/2023.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh thị trường ngày càng thất vọng về phản ứng của Chính phủ trước những lo ngại đang diễn ra về nền kinh tế. Thị trường chứng khoán "bốc hơi" 6.000 tỷ USD kể từ đỉnh năm 2021 khiến tâm lý nhà đầu tư ngày càng lo ngại.
>> Quỹ đầu cơ Singapore chưa từng lỗ nhưng lại phải đóng cửa vì cố 'bắt đáy' chứng khoán Trung Quốc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc |
Mặc dù cắt giảm RRR là một trong những giải pháp hiệu quả, phản ứng của thị trường vẫn trái chiều. Các nhà phân tích nhận thấy động thái này sẽ nhằm ổn định thanh khoản trước kỳ nghỉ Tết, tuy nhiên, tác động rộng hơn đến nền kinh tế có thể bị hạn chế.
Ông Pan Gongsheng cho biết, PBOC sẽ có nhiều dư địa hơn trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ khi Fed không còn tăng lãi suất. Ông nói thêm, chính sách của Fed gần đây đã có dấu hiệu chuyển hướng và sự khác biệt trong chính sách giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thu hẹp vào năm 2024. Điều này sẽ mở rộng không gian cho chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Thống đốc cũng cho biết, rủi ro tài chính nhìn chung có thể quản lý được và Ngân hàng Trung ương sẽ đẩy mạnh các điều chỉnh ngược chu kỳ. Ông cho biết PBOC sẽ giữ đồng nhân dân tệ ở mức hợp lý và đảm bảo có lượng tín dụng cân bằng. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục được quyết định chủ yếu bởi thị trường.
Những lo ngại về sự biến động của đồng nhân dân tệ và sự không chắc chắn về thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất đã hạn chế dư địa của các nhà hoạch định chính sách để hỗ trợ nền kinh tế. Các nhà cho vay cũng đang có tỷ suất lợi nhuận ròng thấp kỷ lục, vì vậy họ có thể cần thêm thời gian để giảm chi phí vốn trước khi có thể hấp thụ tác động của lãi suất vay thấp hơn.