Trung Quốc không chỉ thành công với các công nghệ tiên tiến phục vụ ngành xây dựng, mà còn nổi tiếng với hệ thống giao thông hiện đại khiến thế giới ngỡ ngàng.
Cầu Siduhe là công trình “khổng lồ” chứng minh sự phát triển vượt bậc của hệ thống cơ sở hạ tầng cầu đường của Trung Quốc. Khai trương vào 15/11/2009, đây là cây cầu thứ 3 của Trung Quốc trong chưa đầy 10 năm nhận được danh hiệu “cầu cao nhất thế giới”.
Được biết, cây cầu này nằm cách vùng 3 hẻm núi nổi tiếng của sông Trường Giang khoảng 80km về phía Nam, thuộc tỉnh Hồ Bắc. Đây là một trong vô số công trình ấn tượng trong 483km cuối cùng của tuyến đường cao tốc Tây Hương dài 2.175km, nối Thượng Hải với Trùng Khánh và Thành Đô.
Cầu Siduhe cao tới mức đối thủ gần nhất ở Mexico thấp hơn tới 100m. Cây cầu này cũng cao hơn cầu Royal Gorge ở Colorado (Mỹ) hơn 200m và nằm ở độ cao 496m so với mặt nước biển.
Siduhe có 4 làn xe và dài khoảng 1.222m. Mặt cầu cao hơn 560m so với đáy thung lũng, tương đương với chiều cao một toà nhà 200 tầng, được mệnh danh là cây cầu treo cao nhất thế giới tính đến năm 2016. Cấu trúc cầu Siduhe tương tự hệ thống cầu treo phổ biến với các tháp cầu hình chữ H bằng bê tông, cáp trụ và hệ thống dây treo.
Toàn bộ cầu Siduhe có tổng cộng 16.129 dây thép đặc biệt loại 5,1mm, khởi công xây dựng từ năm 2004, hoàn thành vào tháng 10/2008 và chính thức thông xe vào năm 2009. Được biết, tổng vốn đầu tư của siêu dự án này lên tới 618 triệu nhân dân tệ (gần 2.100 tỷ đồng).
Phương pháp xây cầu tên lửa
Thời điểm xây cầu, đơn vị thi công gặp phải thách thức khó khăn trong việc đặt 2 đầu dây cáp, bởi độ dốc trung bình ở hai bên hẻm núi là trên 70 độ, thậm chí có nơi có thể lên tới 90 độ.
Vì không có đường bộ xung quanh nên đơn vị thi công không thể triển khai xe kéo cáp, càng không thể dùng sức người do độ dốc và hiểm trở của sườn núi. Điều kiện khí hậu vùng thung lũng này cũng rất phức tạp nên nếu dùng trực thăng kéo cáp sẽ có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Trong lúc bế tắc, một nhân viên trong đơn vị thi công đã đề xuất ý tưởng "táo bạo" là dùng tên lửa đẩy của quân đội. Phương pháp này ngay khi đề xuất đã bị rất nhiều người phản đối vì cho rằng nó "quá điên rồ". Sau cùng, đơn vị cũng quyết định thử vì dù sao lúc đó cũng không có cách nào khả thi hơn.
Dưới sự hỗ trợ của quân đội, dây cáp được buộc vào tên lửa nhỏ và sau hai lần bắn thử, tên lửa đã thành công đưa được dây sang bên đối diện.
Toàn bộ quá trình chuyển cáp chỉ diễn ra hơn 10 giây, điều này đã gây chấn động cả thế giới vào thời điểm đó. Từ đó phương pháp này chính thức được đặt tên là "phương pháp xây cầu tên lửa".
Nhiều chuyên gia nhận định, Siduhe là một trong những biểu tượng chứng minh sự phát triển vượt bậc của hệ thống cơ sở hạ tầng cầu đường của đất nước tỷ dân.
Cây cầu này không chỉ là tuyến đường giao thông quan trọng, mà còn là một công trình đáng ngưỡng mộ của Trung Quốc. Từ trên cầu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của sông Sidu cũng như trải nghiệm cảm giác di chuyển trên một độ cao không tưởng.