Đỉnh cao cây cầu "mê cung" ở Trung Quốc: 5 tầng, 20 làn đường, rẽ "sai 1 ly là đi 1 dặm" đến GPS cũng rối loạn
Người dân Trùng Khánh hàng ngày phải tốn rất nhiều thời gian “vượt núi, vượt sông” để đi từ huyện này sang huyện khác, tuy nhiên với cây cầu này có thể tiết kiệm thời gian di chuyển từ 25 phút xuống còn 10 phút.
Cầu vượt Huangjuewan được mệnh danh là “cây cầu vượt phức tạp nhất Trung Quốc” với 5 tầng, 20 làn đường, đi 8 hướng với tổng chiều dài 16.414 mét, rẽ "sai 1 ly là đi 1 dặm", đến GPS cũng rối loạn. Nếu là tay lái mới ít kinh nghiệm liệu có thể tìm được đường ra trước nút giao thông 20 làn đan xen nhau nhiều tầng liên tiếp như vậy.
Cây cầu tại thành phố Trùng Khánh được khởi công xây dựng vào năm 2009 và hoàn thành năm 2017. Ngay khi ra mắt, hệ thống giao lộ Hoàng Giác Loan ở Trùng Khánh, Trung Quốc đã khiến một số cư dân mạng nước này hoài nghi về việc các tài xế có thể dễ dàng đi lạc vì hàng loạt làn đường đan cài vào nhau.
Tuy nhiên, đây vẫn được coi là nút giao thông lớn nhất, phức tạp nhất và hữu ích nhất trong khu vực tây nam Trung Quốc.
Làn đường cao nhất hệ thống có độ cao 37 mét so với mặt đất. Công trình được xây dựng để liên kết trung tâm thành phố, sân bay và đường cao tốc, với mỗi đoạn đường dốc dẫn đến một khu vực khác nhau.
"Mê cung" Huangjuewan kết nối thành phố, sân bay và đường cao tốc, và dự án mất tám năm để hoàn thành. Điều này được cho là sẽ cải thiện lưu lượng giao thông cho 8 triệu cư dân tại thành phố miền núi Trùng Khánh. Tại đây, diện tích đồi núi chiếm tới 76% gây khó khăn cho đời sống nhân dân.
Dù trông có vẻ phức tạp, một quan chức phụ trách dự án nói với các phóng viên rằng người đi đường có thể dễ dàng tìm đường bằng cách sử dụng các biển báo. Ông nói "để quay lại người lái xe phải tìm một khúc cua cách khoảng nửa dặm, hãy duy trì giới hạn tốc độ 37km/h và đừng bao giờ nhìn xuống". Ngoài ra, một số thiết bị định vị vệ tinh đã được thử nghiệm thành công trên các nút giao thông của cầu vượt.
Trước khi có cây cầu vượt này, người dân Trùng Khánh hàng ngày phải tốn rất nhiều thời gian “vượt núi, vượt sông” để đi từ huyện này sang huyện khác. Ở một số tuyến đường, cây cầu này còn giúp tiết kiệm thời gian di chuyển từ 25 phút xuống còn 10 phút.
Cũng vì thế mà cầu này được coi là “huyết mạch của thành phố”.