Trung Quốc dự báo thiếu 10 triệu kỹ sư AI vào năm 2025, tạo ra bóng đen bao phủ sự bùng nổ của AI tạo sinh tại quốc gia này.
“Bên cạnh những tên tuổi công nghệ lớn, các công ty khởi nghiệp, công ty tài chính và những doanh nghiệp khác đang cạnh tranh tìm kiếm những tài năng AI xuất chúng”, Angus Chen, người đứng đầu bộ phận nhân sự AI tại công ty tuyển dụng ManGo Associates trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. "Một ứng viên có thể nhận được lời đề nghị từ nhiều công ty và một số đã quyết định hợp tác với công ty khác ngay cả khi chúng tôi đã dành nhiều tháng để kết nối họ với những doanh nghiệp cụ thể”.
Các ứng viên được săn đón nhiều nhất là những người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở độ tuổi 30, có hồ sơ từng làm việc tại những công ty chuyên về mô hình ngôn ngữ lớn, nền tảng của AI sinh tạo. Những kỹ sư AI có chuyên môn cao có thể kiếm tới một triệu NDT (137.000 USD) mỗi năm, thậm chí có trường hợp những “tân binh” nhận được lời đề nghị hơn ba triệu NDT/năm.
Ngay từ đầu năm 2023, các tập đoàn công nghệ lớn và các doanh nghiệp khác đã tuyên bố họ tập trung phát triển AI tạo sinh. Trong khi đó, chính quyền bắt đầu cấp phép cho các dịch vụ AI đi vào hoạt động theo các quy tắc thực thi từ 15/8.
Cuối tháng trước, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu tung ra chatbot Ernie Bot. Trong vòng 24 giờ đầu tiên, chatbot này đã trả lời 33,42 triệu câu hỏi từ người dùng. Cùng ngày (31/8), nhà phát triển AI SenseTime phát hành bot SenseChat.
“Cơn lốc” phát hành chatbot đã thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng chuyên gia và các tinh hoa trong lĩnh vực AI. Theo nền tảng tìm kiếm việc làm Liepin, các tin tuyển dụng trong danh mục tạo nội dung AI, bao gồm cả các tin tuyển dụng dành cho kỹ sư thuật toán, đã tăng gấp 2,3 lần trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ.
Mức lương trung bình hằng năm cho những vị trí tuyển dụng cũng vượt 400.000 NDT, gần gấp đôi mức trung bình 220.000 NDT của lĩnh vực xe năng lượng mới.
“Việc tạo nội dung AI đang mở rộng nhanh chóng và nhu cầu về nhân lực sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”, Liepin cho biết.
Thiếu 10 triệu chuyên gia vào năm 2025
Năm 2020, Bộ Lao động Trung Quốc công bố một báo cáo định lượng mức thiếu hụt 5 triệu kỹ sư lĩnh vực AI vào thời điểm đó. Báo cáo cho biết nguồn cung chuyên gia AI chỉ có thể đáp ứng 10% nhu cầu. Theo Bộ, trừ khi có những nỗ lực tăng cường đào tạo công nhân AI, nếu không, sự thiếu hụt sẽ tăng lên hơn 10 triệu công nhân vào năm 2025.
Việc ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp đang dẫn đến tình trạng thiếu lao động. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC của Mỹ, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 38,1 tỷ USD vào AI đến năm 2027, tương đương mức tăng gấp ba lần chi tiêu của năm 2022. Trong đó, đầu tư vào AI sẽ đặc biệt lớn trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng, cũng như chính quyền địa phương.
Theo một báo cáo được công bố vào tháng 5 bởi McKinsey & Co, Trung Quốc đang trên đà thiếu hụt 4 triệu nhân tài AI vào năm 2030. Con số dựa trên dự đoán nhu cầu về chuyên gia AI lành nghề sẽ tăng gấp sáu lần từ năm 2022, lên 6 triệu người, nhưng nguồn cung chỉ đạt 2 triệu vào năm 2030.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sau năm 2030, tỷ lệ sinh giảm sẽ thắt chặt hơn nữa nguồn tài năng AI sẵn có, vì sẽ có ít sinh viên tham gia các chương trình đại học hơn”, McKinsey viết.
Từ đó, McKinsey khuyến nghị “nâng cao tay nghề cho những người lao động hiện có” và “đa dạng hóa nguồn nhân tài” bằng cách tìm kiếm các nhà thầu bên ngoài.
Tuy không ai chắc chắn cơn sốt AI sẽ kéo dài bao lâu, song giới quan sát tin rằng toàn bộ ngành vẫn thiếu hàng triệu nhân lực có kỹ năng AI, mặc dù con số chính xác phụ thuộc vào cách người ta xác định loại công việc đó.
(Theo Nikkei)