Trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ, Trung Quốc thua đậm khi không có OpenAI của riêng mình.
Không chỉ thiếu vắng một đối thủ xứng tầm với Nvidia – hãng sản xuất chip AI hàng đầu hiện nay, Trung Quốc còn không có ứng cử viên nào đủ sức cạnh tranh với OpenAI, startup đứng sau chatbot ChatGPT nổi tiếng.
Những người chơi từ Mỹ như Microsoft, Alphabet, Amazon và một số startup đang thống trị bức tranh AI rộng lớn. Trong lĩnh vực này, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nới rộng. Paul Triolo, Phó Chủ tịch cấp cao về Trung Quốc và đứng đầu chính sách công nghệ tại hãng tư vấn Dentons Global Advisors nhận xét các công ty đại lục đang tụt hậu rất xa so với Mỹ.
Jenny Xiao, quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm Leonis Capital, chỉ ra không có nhiều công ty Trung Quốc đủ tiềm lực để làm mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) riêng. “Rõ ràng Silicon Valley đang dẫn đầu cuộc chơi”, cô nói.
Mỹ vẫn là thị trường đầu tư lớn nhất. Năm 2023, số tiền rót cho các công ty AI tạo sinh chiếm gần một nửa trong số 42,5 tỷ USD đầu tư trên toàn cầu vào AI, theo CB Insights. Tại Mỹ, các nhà đầu tư nâng số vốn đầu tư AI lên 31 tỷ USD với 1.151 giao dịch, dẫn đầu là các khoản chi lớn cho OpenAI, Anthropic và Inflection. Trong khi đó, tại Trung Quốc, con số này chỉ là 2 tỷ USD và 68 giao dịch, sụt giảm lớn từ 5,5 tỷ USD của năm 2022 và 377 giao dịch, một phần là do những hạn chế đối với đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc.
"Trung Quốc đang gặp bất lợi lớn trong việc xây dựng các mô hình nền tảng cho AI tạo sinh", Rui Ma, một nhà đầu tư AI và đồng sáng lập tập đoàn đầu tư và podcast TechBuzz China cho biết.
Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách thu hẹp khoảng cách bằng cách sử dụng mô hình LLM nguồn mở Llama 1 của Meta. Theo Ma, nhiều mô hình Trung Quốc là các nhánh của Llama, chậm hơn 1 đến 2 năm so với công cụ tạo video từ văn bản Sora của OpenAI.
Để tạo khác biệt trong cuộc chiến AI thời gian tới, Trung Quốc sẽ dựa vào lớp nhân tài công nghệ của mình. Theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn Marco Polo, Mỹ là quê hương của 60% các tổ chức AI tốt nhất, cũng là điểm đến số một của các tài năng AI ưu tú với 57% tổng số, so với Trung Quốc là 12%. Song, nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đi trước Mỹ trong một vài thước đo như số lượng các nhà nghiên cứu AI hàng đầu, dựa trên bằng đại học, với Trung Quốc ở mức 47% và Mỹ 18%. Ngoài ra, trong số các nhà nghiên cứu AI hàng đầu làm việc tại các tổ chức của Mỹ, 38% đến từ Trung Quốc và 37% từ Mỹ.
Các ứng dụng AI thế hệ mới của Trung Quốc cũng có thể tiếp cận công chúng nhanh chóng. Ernie Bot của Baidu được phát hành vào tháng 8/2023, đạt 100 triệu người dùng vào cuối năm. Samsung đang có kế hoạch tích hợp Ernie AI vào smartphone Galaxy S mới, còn Apple được cho là đang đàm phán với Baidu cho giao dịch tương tự.
Trong danh sách các ứng cử viên AI hiện tại, Ernie Bot của Baidu thuộc hàng tiên tiến nhất, theo Bernard Leong, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty tư vấn công nghệ Analyse Asia.
Một số công ty khác được Big Tech hậu thuẫn cũng đang tiến về phía trước. Moonshot AI với hai nhà đầu tư lớn là Alibaba và Hongshan đang xây dựng các LLM có thể xử lý đầu vào nội dung dài. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Google Trung Quốc Kai-Fu Lee đã phát triển mô hình AI nguồn mở, 01.AI.
Dù đang tăng tốc phát triển ngành công nghiệp chip và AI nội địa, sự phát triển AI của Trung Quốc bị hạn chế một phần vì Mỹ siết chặt xuất khẩu chip AI cao cấp. Leong chỉ ra: "Bất chấp những nỗ lực phát triển các giải pháp bản địa, các nhà phát triển AI Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào phần cứng nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty Mỹ, đây là một lỗ hổng trong môi trường địa chính trị hiện nay".
Theo CNBC, căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay trong công nghệ và an ninh quốc gia đang dẫn đến sự chia rẽ trong phát triển AI. Với các quy định và lệnh cấm đối với các công nghệ tiên tiến, nhạy cảm, có thể dẫn tới hai hệ sinh thái AI song song, một ở Mỹ và một ở Trung Quốc. ChatGPT bị chặn ở Trung Quốc trong khi Ernie Bot của Baidu chỉ có thể được truy cập ở Mỹ bằng số điện thoại di động của Trung Quốc. "Các công ty Mỹ không thể vào Trung Quốc và các công ty Trung Quốc không thể vào Mỹ", Xiao nói.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã tuyên bố mục tiêu hạn chế xuất khẩu chip AI của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc mua hoặc sản xuất chip tiên tiến. Khi Trung Quốc tập trung vào tự lực cánh sinh, các công ty như SMIC hoặc Huawei có thể là một giải pháp thay thế cho Nvidia.
Các vấn đề về AI và công nghệ là ưu tiên hàng đầu và trung tâm của lãnh đạo Trung Quốc. Nước này đã ra quy định liên quan đến AI vào năm 2023 sau bước đột phá của ChatGPT và sau đó sửa đổi một số biện pháp.
AI nguồn mở mà nhiều nhà phát triển Trung Quốc sử dụng có thể khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà phát triển toàn cầu nhưng Leong cho biết nguồn mở cũng dẫn đến các vấn đề về đảm bảo chất lượng và bảo mật của các mô hình, cũng như quản lý thiên kiến và lạm dụng tiềm năng của AI.
(Theo CNBC)
Sam Atman nhận lương bao nhiêu trong năm 2023?
Vì sao Samsung bị tụt lại trong cuộc chiến AI và ‘bốc hơi’ 126 tỷ USD?