Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ một mặt hàng tỷ đô của Việt Nam
Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc vẫn tiếp tục trong đầu năm 2025.
Năm 2024, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm qua đạt gần 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.
Sự gia tăng mạnh mẽ trong nhập khẩu tôm từ Việt Nam xuất phát từ nhiều yếu tố. Theo VASEP, nguồn cung nội địa của Trung Quốc sụt giảm do điều kiện thời tiết bất lợi, trong khi Ecuador – một trong những đối thủ lớn của Việt Nam – cũng giảm xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong năm 2024. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tôm, đặc biệt là tôm hùm.
Số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2024 đạt 6,8 tỷ USD, giảm 10% so với năm trước. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng, trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác.
![]() |
Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy thủy sản ở Cà Mau Ảnh: An Minh |
Trong cơ cấu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc, tôm hùm và các loại tôm khác chiếm tỷ trọng lớn nhất với 51,7%, tôm chân trắng chiếm 36,1% và tôm sú chiếm 12,2%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh tới 174%, trong đó tôm hùm chế biến tăng 199%, còn tôm sống/tươi/đông lạnh tăng 185%. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm hùm Việt Nam, chiếm 98-99% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Ngược lại, tôm chân trắng – mặt hàng nhạy cảm với giá cả – lại gặp nhiều khó khăn do sức mua của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc suy giảm đáng kể. Theo VASEP, sự suy giảm này không phải do cung vượt cầu, mà xuất phát từ yếu tố kinh tế khi tăng trưởng chậm lại, thu nhập giảm và chi phí sinh hoạt gia tăng. Người tiêu dùng ngày càng cân nhắc hơn về hiệu quả chi phí, chuyển từ "ưa thích" sang "tùy chọn", khiến nhu cầu đối với tôm chân trắng giảm mạnh.
Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn tiếp tục trong đầu năm 2025. Chỉ trong nửa đầu tháng 1, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này đã đạt hơn 51 triệu USD, tăng 191% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm – mặt hàng đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng – đồng thời triển khai các chiến lược quảng bá để kích thích nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm tôm truyền thống như tôm chân trắng và tôm sú, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thủy sản cao cấp vẫn duy trì mức tiêu dùng ổn định.
>> 3 loại rau rẻ tiền người Việt 'chê' lại được săn lùng như 'siêu thực phẩm' ở Mỹ