Trung Quốc xây siêu cảng ở ngay 'sân sau' của Mỹ, Washington lo lắng
Tại thị trấn ven biển thuộc Nam Mỹ, Trung Quốc đang xây dựng một siêu cảng đe dọa thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực giàu tài nguyên mà từ lâu vẫn được coi là “sân sau” của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nằm giữa những làng chài bình yên, tầm quan trọng của cảng nước sâu Chancay đủ lớn để đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tham dự lễ khai trương vào cuối năm nay. Dự kiện ông Tập sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới châu Mỹ kể từ đại dịch.
Đa số cổ phần thuộc sở hữu của tập đoàn quốc doanh Cosco (Trung Quốc), Chancay được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hoạt động thương mại giữa châu Á và Nam Mỹ, giúp người tiêu dùng ở những nước như Brazil được hưởng lợi khi rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển đủ loại mặt hàng từ nông sản đến kim loại đồng.
Công trường xây dựng siêu cảng Chancay |
Trong khi các quốc gia trên toàn thế giới “chán ngấy” với “cơn lũ” hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, siêu cảng này sẽ mở ra các thị trường mới cho những thứ mà Trung Quốc đang dư thừa như xe điện. Hiện nước này cũng đang là đối tác thương mại hàng đầu của phần lớn các quốc gia Nam Mỹ.
Khu vực này có thể trở thành trung tâm thương mại tầm cỡ toàn cầu đầu tiên của Nam Mỹ. Do đó Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào và tăng tầm ảnh hưởng ở những láng giềng thân cận nhất của Mỹ. Thậm chí Trung Quốc còn có thể đặt một căn cứ quân sự ở ngay gần lãnh thổ Mỹ.
Siêu cảng Chancay nằm cách Lima (thủ đô Peru) 50 dặm về phía Bắc, có vốn đầu tư 3,5 tỷ USD được tài trợ bởi các ngân hàng Trung Quốc. Đây sẽ siêu cảng đầu tiên ở vùng biển Thái Bình Dương dọc Nam Mỹ. Trong khi các cảng ở gần đó có công suất xử lý container khá lớn, Chancay là cảng đầu tiên có thể tiếp nhận các siêu tàu với độ sâu gần 60 feet. Nhờ đó hàng sẽ đi trực tiếp từ Trung Quốc đến Peru thay vì phải chuyển sang những tàu nhỏ hơn ở Mexico hay California (Mỹ).
Một đường hầm đang được xây dựng |
Đáp lại những lo lắng của Mỹ, Ngoại trưởng Peru Javier González-Olaechea cho rằng nếu như Mỹ lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở đây, họ nên đầu tư một dự án tương tự. “Peru chào đón tất cả mọi người”, ông nói. “Mỹ hiện diện ở gần như mọi nơi trên thế giới với rất nhiều sáng kiến, nhưng ở Mỹ Latinh thì không có nhiều. Mỹ giống như một người bạn rất quan trọng nhưng lại dành quá ít thời gian cho chúng ta”.
Siêu cảng Chancay khiến nhiều nghĩ tới một dự án của Cosco ở Hy Lạp năm 2016 đã giúp Trung Quốc ghi dấu ấn ở Nam Âu. Ngày nay, các công ty Trung Quốc đang kiểm soát hoặc vận hành gần 100 cảng biển ở nước ngoài. Từ năm 2000 đến 2021, Trung Quốc tài trợ gần 30 tỷ USD cho ít nhất 46 quốc gi, theo số liệu của AidData.
Các dự án này mang lại cho Trung Quốc lợi thế ngoại giao ở những nước đang khát vốn đầu tư. Tàu của Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện tại 1/3 số cảng nói trên. Bên cạnh đó nhiều bên cũng lo ngại về núi nợ khổng lồ hay dấu hiệu môi trường bị tàn phá.
Siêu cảng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và Nam Mỹ |
Dự kiến ông Tập Cận Bình sẽ tới Peru tham dự Hội nghị Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 11 tới, ngay sau khi Mỹ bầu cử Tổng thống. Dù ông Trump hay ông Biden giành chiến thắng và trở thành đại diện của Mỹ tới tham dự hội nghị, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm lu mờ vai trò của họ với siêu cảng Chancay.
Theo một số thinktank, Peru được xếp ở vị trí số 5 trong những quốc gia mà tầm ảnh hưởng của Trung Quốc là lớn nhất. Ở đất nước 33 triệu dân này có rất nhiều xe ô tô “made in China”. Tại cảng Chancay đặt những tấm biển báo có ghi cả tiếng Tây Ban Nha và Trung Quốc, một đường hầm dài đang được xây dựng để các xe tải chở hàng có thể vào cảng mà không cần phải đi qua thị trấn. Cần trục tự động và xe tự lái sẽ chuyển hàng từ những con tàu lớn nhất thế giới, một số dài bằng cả tòa nhà Empire State của Mỹ nằm ngang.
Brazil sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Trung Quốc mua 2/3 quặng sắt và đậu tương mà Brazil xuất khẩu ra nước ngoài. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil vào năm 2009, nhưng họ vẫn đối mặt với một trở ngại lớn về mặt địa lý. Hàng hóa từ Brazil tới Trung Quốc sẽ phải đi về phía Đông qua Đại Tây Dương hoặc về phía Bắc để vào Đại Tây Dương thông qua kênh đào Panama.
Với siêu cảng Chancay, các nhà xuất khẩu Brazil sẽ tiết kiệm được một nửa quãng đường, theo chuyên gia kinh tế Omar Narea, người đang công tác tại ĐH Pacific của Peru.
>> G7 viện trợ cho Ukraine 50 tỷ USD, lấy từ tài sản phong tỏa của Nga