Trung tâm tài chính hàng đầu châu Á mua vào lượng USD kỷ lục để bảo vệ chế độ neo tỷ giá
Hồng Kông đang nỗ lực giữ tỷ giá trong biên độ cho phép, khi đồng nội tệ áp sát ngưỡng trần giữa làn sóng lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và áp lực thanh khoản từ các đợt IPO quy mô lớn.
Giới chức Hồng Kông (Trung Quốc) đã đẩy mạnh bán đồng nội tệ trong bối cảnh đồng USD suy yếu, gây áp lực lên cơ chế neo tỷ giá của thành phố.
Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã bán ra kỷ lục 60,5 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 7,8 tỷ USD) trong phiên giao dịch ngày 5/5 tại châu Á, sau khi tỷ giá chạm ngưỡng cao nhất trong biên độ giao dịch cho phép.
Động thái can thiệp quyết liệt cho thấy nỗ lực của giới chức Hồng Kông nhằm giữ ổn định tỷ giá trong biên độ 7,75 – 7,85 HKD/USD. Trong khi đó, các đồng tiền châu Á ghi nhận đà tăng mạnh chưa từng thấy do kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận thương mại, còn đồng USD chịu áp lực khi niềm tin vào sức mạnh vượt trội của nền kinh tế Mỹ suy giảm.

Việc HKMA bán mạnh đồng nội tệ cũng góp phần hạ nhiệt lãi suất vay tại Hồng Kông – vốn tăng cao do nhu cầu nắm giữ HKD để tham gia đợt IPO của Contemporary Amperex Technology Co, dự kiến sẽ là đợt niêm yết lớn nhất của thành phố trong nhiều năm. Chi phí vay giảm cũng có thể giúp thành phố này chống đỡ tốt hơn trước rủi ro từ thuế quan của Mỹ.
Việc HKMA can thiệp vào thị trường “có thể giúp giảm bớt nguy cơ thiếu thanh khoản trong đợt IPO sắp tới, cùng với các dòng vốn khác đổ vào”, theo Frances Cheung, trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá và lãi suất tại ngân hàng OCBC. Bà cho rằng cơ chế neo tỷ giá khiến đồng đô la Hồng Kông sẽ yếu hơn so với các đồng tiền khác khi USD suy yếu.
Nhu cầu với đồng HKD trên thị trường vốn gần đây gia tăng do nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông. Các hoạt động chuyển đổi tiền tệ phục vụ chi trả cổ tức của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu đồng nội tệ.
Trước phiên ngày 2/5, lần gần nhất HKMA can thiệp để kìm đà tăng giá của đồng HKD là năm 2020. Trong hai năm 2022 và 2023, cơ quan này đã nhiều lần mua vào để ngăn đồng tiền trượt xuống đáy biên độ.

Việc HKMA bán đồng nội tệ dự kiến sẽ giúp tăng chỉ số “tổng dư nợ” – thước đo thanh khoản liên ngân hàng – vốn đã giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ năm 2008, do các đợt mua vào USD để duy trì cơ chế neo tỷ giá.
Theo chiến lược gia Stephen Chiu và Chunyu Zhang, tổng quy mô can thiệp lần này có khả năng vượt mốc 383,5 tỷ HKD được ghi nhận vào năm 2020 sau đại dịch Covid-19.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn một tháng tại Hồng Kông đã giảm xuống còn 3,66% hôm 5/5, mức thấp nhất trong 2 tuần, sau loạt can thiệp của HKMA.
Đà tăng giá của các đồng tiền châu Á phụ thuộc thương mại đang khiến giới hoạch định chính sách đau đầu. Đồng tiền mạnh có thể thu hút vốn ngoại và giảm chi phí nhập khẩu, nhưng lại gây bất lợi cho xuất khẩu do làm hàng hóa kém cạnh tranh hơn.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), đồng tệ tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm đã khiến giới chức tuyên bố sẵn sàng can thiệp nếu thị trường mất ổn định.
Riêng với đồng đô la Hồng Kông, Citigroup dự báo HKMA sẽ tiếp tục can thiệp. “Chúng tôi cho rằng sẽ còn nhiều đợt can thiệp nữa khi xu hướng suy yếu của USD vẫn còn dư địa tiếp diễn”, chuyên gia Adrienne Lui nhận xét.
>> Nền kinh tế hàng đầu châu Á họp khẩn vì tỷ giá tăng vọt đe dọa xuất khẩu