Đại gia Vũ Văn Tiền được biết đến là người sở hữu Tập đoàn Geleximco đa ngành tại Việt Nam - tập đoàn đang lấn sân sang mảng sản xuất ô tô điện.
Nằm trong nhóm những người giàu nhất Việt Nam nhờ sở hữu hệ sinh thái kinh doanh đa ngành, trải dài từ tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghiệp cho tới xuất nhập khẩu, nhưng ông Vũ Văn Tiền nổi tiếng là một trong người giản dị và kín tiếng, không siêu xe, không hàng hiệu, không những thú vui hào nhoáng.
Vũ Văn Tiền - ông chủ tập đoàn đa ngành Geleximco
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959, có biệt danh là Tiền "còi", quê huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông Tiền tốt nghiệp Kỹ sư Học viện Kỹ thuật Quân sự, Cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân và làm việc tại công ty phân đạm sau khi tốt nghiệp.
Hành trình khởi nghiệp bắt đầu khi ông Tiền sáng lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – GELEXIMCO vào năm 1993. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép xuất nhập khẩu trực tiếp, tiền thân của Tập đoàn Geleximco.
Trước khi xây dựng cơ nghiệp, ông Tiền có gần chục năm công tác tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (từ năm 1986-1992). Đến tháng 1/1993, ông Vũ Văn Tiền thành lập Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Geleximco đã được Bộ Thương mại giao nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp. Trong khi vào thời điểm đó, xuất nhập khẩu chỉ có nhà nước mới được phép hoạt động và cơ chế hoạt động kinh doanh cho tư nhân còn rất khó khăn, hạn chế.
Ban đầu, công ty chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Về sau, khi đã gây dựng được thành quả nhất định, ông đã sớm chủ động xây dựng Geleximco theo mô hình phát triển kinh tế đa ngành, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên. Cũng kể từ thời điểm đó đến nay, ông Vũ Văn Tiền điều hành Geleximco với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Ngoài vị trí Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, ông Tiền cũng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy An Hòa; Chủ tịch HĐQT Công ty Nhiệt điện Thăng Long. Ngoài ra, ông Tiền từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Từ một công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ bé, Geleximco hiện tại là tập đoàn đa ngành, đầu tư vào năm lĩnh vực kinh doanh gồm sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, đào tạo và công nghệ thông tin.
Hiện nay, Tập đoàn Geleximco có 27 công ty thành viên và công ty liên kết, tạo công ăn việc làm cho 10.000 lao động.
Tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Geleximco đạt mức 12.810 tỷ đồng, tăng gần 1.300 tỷ so với đầu năm (11.516 tỷ đồng).
Đam mê lĩnh vực công nghiệp, sở hữu nhiều dự án nghìn tỷ
Sở hữu tập đoàn kinh doanh đa ngành nhưng ông Vũ Văn Tiền có một niềm đam mê với lĩnh vực công nghiệp. Ông cho biết nhiều cộng sự thân cận với ông không ít lần có ý can ngăn vì “làm công nghiệp quá vất vả, rủi ro đầy rẫy”, nhưng ông lại thuyết phục “làm công nghiệp vất vả nhưng là cái lõi của kinh tế, tạo ra sự thay đổi ở các địa phương và đem đến nhiều công ăn việc làm cho xã hội”.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn Geleximco đã được nhắc đến rất nhiều với 3 dự án nổi bật là Nhiệt điện Thăng Long (tổng vốn đầu tư 900 triệu USD), Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy giấy An Hòa (tổng vốn đầu tư 450 triệu USD) và VAP - dự án liên doanh cùng Honda Motor (tổng vốn đầu tư 90 triệu USD)…
Bên cạnh đó, còn có những dự án Geleximco tâm huyết và bỏ không ít công và của để theo đuổi như Nhiệt điện Quỳnh Lập, điện rác, cảng biển... Có tích lũy từ những lĩnh vực khác như bất động sản, ông Vũ Văn Tiền lại dồn vào công nghiệp.
Ngoài ra, nổi bật trong hoạt động kinh doanh của Geleximco là bất động sản với những dự án như khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, An Bình City, Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son tại Đồ Sơn - Hải Phòng (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng).
Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng nằm ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng có quy mô 480 héc ta với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ USD (25.000 tỷ đồng) với tổ hợp gồm khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, sân golf, khu vui chơi giải trí...
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Geleximco đã đưa vào hoạt động sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club, Khách sạn Thái Bình Dream, Khách sạn Hạ Long Dream. Ngoài ra, Geleximco tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng ở Lào Cai, Hải Phòng.
Tham vọng đầu tư vào lĩnh vực ô tô điện
Vào tháng 9/2022, tại trụ sở UBND tỉnh Thái Bình đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng giữa Tổng công ty Viglacera với Tập đoàn Geleximco để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại khu công nghiệp Tiền Hải.
Theo kế hoạch, sau khi thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Tiền Hải, Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại, có đầy đủ các dây chuyền như: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định của pháp luật với trình độ tự động hóa cao, sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu.
Mới đây, ngày 2/11, tại Thái Bình, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo đã ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.
Mục tiêu của dự án là đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bao gồm ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, xăng - điện hỗn hợp (PHEV) và ô tô thuần điện.
Nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Hưng Phú - Khu kinh tế tỉnh Thái Bình. Với thiết kế theo tiêu chuẩn xanh và sử dụng công nghệ tiên tiến, nhà máy sản xuất hàng loạt các loại ô tô điện, từ xe phân khúc hạng trung đến hạng sang. Việc sử dụng năng lượng tái tạo và quy trình sản xuất bền vững sẽ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra những sản phẩm ô tô an toàn, hiệu suất cao và thân thiện với môi trường.
Tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn của dự án máy liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô tại tỉnh Thái Bình của Tập đoàn Geleximco khi đạt công suất 200.000 xe/năm, chưa bao gồm đầu tư khu công nghiệp phụ trợ, ước tính khoảng 800 triệu USD.
Tổng nhu cầu đất cho xây dựng nhà máy dự kiến khoảng 100ha đáp ứng quy mô sản xuất 200.000 xe/năm và 100ha phát triển khu công nghiệp phụ trợ phục vụ nhu cầu nội địa hóa để xuất khẩu.