SCB được sử dụng như một công cụ/ nơi cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an,hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được xây dựng và hoạt động theo mô hình tập đoàn với CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần và kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái. Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp.
Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ/ nơi cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) dù không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng được xác định là người có quyền lực tại ngân hàng này.
Điều đó phải kể đến năm 2011, thương vụ ồn ào hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém: Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất - Ficombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa - TinNghiaBank. Do luật giới hạn về sở hữu vốn của cá nhân hay tổ chức tại một Ngân hàng, bà Lan đã nhờ người đứng tên để sở hữu phần lớn cổ phần nhằm thao túng hoạt động. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), bà Lan nắm giữ 81,43% vốn thông qua 32 cổ đông; tại Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, bà Lan sở hữu 98,74% cổ phần thông qua 36 cổ đông; 80,46% vốn tại Ngân hàng Đệ Nhất thông qua tên của 24 cổ đông. Ba tổ chức được sáp nhập làm 1 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bà Lan nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,6% vốn của Ngân hàng sau sáp nhập và trực tiếp đứng tên gần 5% cổ phần. Vào đầu năm 2018, tỷ lệ sở hữu của bà Lan tại SCB lên tới 91,55%.
Tuy nhiên, tình trạng tài chính của SCB vốn dĩ đã có nhiều yếu kém sau sáp nhập, và thực chất không có cải thiện sau thời gian tái cơ cấu. Thậm chí, theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, thực trạng tài chính của SCB tại thời điểm 30/06/2017 đã là rất xấu; bản chất tại thời điểm này SCB đã âm vốn chủ sở hữu (thời điểm có đợt thanh tra liên ngành gồm Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia). Tuy nhiên, do “được thông đồng”, nên hầu hết các chỉ số tài chính/ tỷ lệ an toàn đều được “làm đẹp” hơn thực tế. Và trong suốt 5 năm sau đó, theo báo cáo tài chính công bố chính thức của SCB, có nhiều khoản mục, nội dung không được thuyết minh chi tiết.
Tính đến 30/06/2022 (trước khi sự việc vỡ lẽ), tổng tài sản SCB đạt 761.178 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cuối 2012; Quy mô huy động tiền gửi khách hàng đạt 594.630 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cuối 2012.
Quy mô tổng tài sản và số dư các nghiệp vụ tiền gửi tăng nhanh so với mức tăng trung bình chung toàn ngành; trong khi đó kết quả kinh doanh lại ‘lên xuống’ thất thường, đặc biệt trong năm 2021 lại có sự tăng trưởng đột biến.
Vốn chủ sở hữu đến 30/06/2022 được báo cáo đạt 23.122 tỷ đồng; trong khi theo kết luận của cơ quan điều tra, con số thực tế đã âm từ nhiều năm trước.
> > Vụ Vạn Thịnh Phát - SCB: "Những con số biết nói" |
Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm
Ái nữ duy nhất của ông Đỗ Anh Dũng đang giữ những chức vụ gì tại Tân Hoàng Minh?