Trường Đại học có tỷ lệ giảng viên là GS, PGS cao nhất Việt Nam, tương lai muốn 'nâng tầm' lên thành nơi nghiên cứu tiên tiến khu vực châu Á
Tầm nhìn đến 2035, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến ở châu Á.
Những ngày gần đây, các trường đại học trên cả nước như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải... đã lần lượt công bố mức điểm chuẩn. Đáng chú ý, Tổ Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội có dự kiến điểm chuẩn năm 2024 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo đó, Kỹ thuật điện tử và tin học dự kiến lấy điểm chuẩn cao nhất, ở mức 25-26,5, đứng sau đó là ngành Hóa dược, khoảng 24-25,5. 4 ngành tính điểm xét tuyển theo thang 40 gồm Toán học, Toán tin, Khoa học máy tính và thông tin, Khoa học dữ liệu, điểm chuẩn được dự báo thấp nhất 33, cao nhất 35,5. Đây được đánh giá là mức điểm chuẩn cao, có những ngành phải đạt 8,9 điểm/môn mới đỗ.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tiền thân là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành lập năm 1956. Đến nay, trường có 65 năm xây dựng và phát triển, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước, trường không ngừng phát triển, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng nhiều tài năng cho đất nước.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN có đội ngũ cán bộ, giảng viên có tỷ lệ GS, PGS, TS cao nhất Việt Nam. Theo khảo sát từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023, tổng số lượng giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng) của trường tăng dần, tăng nhiều nhất ở giảng viên có trình độ tiến sĩ (tăng 143 tiến sĩ), tăng 20 phó giáo sư; quy mô sinh viên cũng tăng lên (tăng thêm 2.399 sinh viên đại học chính quy).
Từ báo cáo ba công khai năm 2018-2019 cho thấy, nhà trường có 385 giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng), trong đó có 27 giáo sư, 106 phó giáo sư, 202 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 49 thạc sĩ.
Đến năm học 2022-2023, trường có 411 giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng), trong đó có 19 giáo sư, 126 phó giáo sư, có 345 giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ, 42 thạc sĩ và 24 giảng viên trình độ đại học.
Trường có sự liên kết với hơn 70 tổ chức giáo dục, chính trị, xã hội quốc tế có uy tín thuộc 35 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Từ đó, sinh viên có cơ hội được học tập, trao đổi, giao lưu quốc tế. Tầm nhìn đến 2035, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến ở châu Á.
Từ 2006 đến nay, trung bình mỗi năm trường tiếp đón khoảng 300 lượt khách quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, học tập và trao đổi. Thông qua hợp tác quốc tế, Trường đang thực hiện 03 chương trình đào tạo tiên tiến, 03 chương trình nhiệm vụ chiến lược ở bậc đại học. Các đối tác quốc tế thực hiện các chương trình này đều thuộc nhóm 100 dẫn đầu trong các bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới có uy tín.
Từ năm 2001 đến nay, 7 dự án đào tạo liên kết quốc tế ở bậc sau đại học, trong đó 4 dự án thuộc đề án 322 đã và đang được thực hiện. Các đối tác quốc tế đều là các cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 500. Từ đó đóng góp phần không nhỏ vào quá trình thiết lập vị trí của trường trên bản đồ các cơ sở giáo dục và nghiên cứu khoa học quốc tế.
Năm 2024, chỉ tiêu dự kiến của trường là 1.850, số ngành tuyển sinh là 27.
>>Đại học rộng nhất Việt Nam lọt top 100 cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á
Lần đầu tiên Việt Nam có đại học đề xuất xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên
Tập đoàn CMC ra mắt AI University, từ đại học số đến đại học AI