Trường đại học Việt Nam vừa đón 100 học sinh giỏi quốc gia 'nhập môn': Top 10 trong BXH châu Á, đào tạo ngành được miễn học phí, Bộ Chính trị yêu cầu 'xếp lương cao nhất'
Hiện tại, nhà trường chưa thống kê cụ thể số lượng học sinh giỏi nhập học nhưng có thể thấy, số lượng các em thuộc diện này vào trường năm nay khá lớn.
Mới đây, khoảng 4.000 tân sinh viên nhập học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), trong đó, hơn 100 em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Chia sẻ với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN cho biết, năm 2024 trường có hơn 300 chỉ tiêu cho các em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia vào tất cả các ngành, trong đó nhiều nhất là khối ngành xã hội. Tính đến 30/8, có khoảng 100 học sinh thuộc diện này đã nhập học thành công. Hiện tại, nhà trường chưa thống kê cụ thể số lượng học sinh giỏi nhập học nhưng có thể thấy, số lượng các em thuộc diện này vào trường năm nay khá lớn.
Trường Sư phạm đầu ngành, trọng điểm của cả nước
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức thành lập vào ngày 10/11/1951. Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển trường bắt đầu từ một sự kiện quan trọng: Ngày 10/10/1945, chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội, với nhiệm vụ đầu tiên là đào tạo viên Văn khoa Trung học.
Một năm sau, ngày 10/8/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra sắc lệnh số 194/SL, thành lập ngành học Sư phạm để đào tạo giáo viên cho các bậc học cơ bản, trung học phổ thông, trung học chuyên khoa, thực nghiệm và chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Sự kiện thành lập Ban Đại học Văn khoa, tổ chức tiền thân của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, đánh dấu sự khởi đầu của ngành Sư phạm cách mạng và thể hiện sự quan tâm đặc biệt cũng như tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục. Trường cũng vinh dự hai lần đón Người về thăm (năm 1960 và năm 1964) và nhận được những lời căn quý báu: "Làm thế nào để Nhà trường này không chỉ là trường sư phạm mà còn là trường mẫu mực của cả nước” và "Người thầy giáo tốt - giáo dục xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được khen thưởng Huân chương, bài hát những người giáo dục tốt là những anh hùng vô danh". Lời căn dặn của Người đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của các thế hệ các bộ, giảng viên, sinh viên ĐHSPHN với mong muốn xây dựng trường chuẩn mực như lời Bác dạy và trở thành những người có ích cho đất nước.
Trong suốt lịch sử phát triển, trường luôn giữ vững vị trí là trường ĐHSP đầu ngành, trọng điểm và là cái nôi của ngành Sư phạm cả nước. Trường đã đào tạo hàng vạn giáo viên các cấp và các chuyên gia giáo dục, trong đó có những người sau này trở thành thành nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như GS Đặng Thai Mai, Lê Văn Thiêm, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Lân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật... góp phần làm rạng rỡ nền tảng học vấn nước nhà.
Nhiều học viên của trường là những chuyên gia đầu ngành có uy tín không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và trên thế giới. Đến nay, trường đã có 70 học viên được phong Giáo sư, hơn 350 Phó Giáo sư, 33 Nhà giáo Nhân dân và 118 Nhà giáo Ưu tú.
Hiện nay, ĐHSPHN là một trong những trung tâm đào tạo giáo viên lớn nhất cả nước, đạt chất lượng cao. Không chỉ là cái nôi của hàng vạn giáo viên, trường còn là nơi đào tạo nên hàng nghìn chuyên gia giáo dục nổi tiếng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy của sinh viên, cán bộ cùng với yêu cầu đổi mới, đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, trường không ngừng nâng cao các phương pháp giảng dạy ngày càng tiên tiến. ĐHSPHN thuộc top 10 trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2021 và top 12 trong bảng xếp hạng URAP 2020 của các trường đại học ở Việt Nam.
Hơn 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò của trường đã không ngừng phấn đấu và gặt hái được nhiều thành tích, bằng khen, giải thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhì (1961), Huân chương Lao động hạng Nhất (1962), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1991), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996, 2016), Cờ Thi đua của Chính phủ (1995, 2016, 2020), Huân chương Hồ Chí Minh (2001, 2011), và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (2004).
Điểm chuẩn cao "đỉnh chóp"
Là một trong những trường đại học đầu ngành và trọng điểm, ĐHSPHN đã trở thành niềm mơ ước của nhiều học sinh. Đặc biệt, khi ngành Sư phạm ngày càng nhận được sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ, trường càng thu hút nhiều sinh viên.
Năm 2024, trường công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học theo phương thức 1: Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, điểm chuẩn dao động từ 22 đến 29,3 điểm. Đặc biệt, ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất là 29,3 điểm.
Một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn ngành Sư phạm tăng cao là do chính sách đãi ngộ học phí thu hút nhiều thí sinh. Đặc biệt, năm nay số thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm tăng vọt, nhưng chỉ tiêu có hạn, do đó chỉ những thí sinh có điểm số cao nhất mới đủ điều kiện trúng tuyển.
Những chính sách ưu đãi dành cho sinh viên ngành Sư phạm như miễn học phí đối với các ngành Sư phạm. Ngoài ra, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên Sư phạm. Theo đó, mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng). Tuy nhiên, cũng theo Nghị định này, sinh viên Sư phạm đã được hưởng chính sách nhưng không thực hiện công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm hoặc đủ 2 năm, tính kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại kinh phí hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến ngành Sư phạm. Để đảm bảo số lượng giáo viên theo đúng định mức, Bộ yêu cầu nghiên cứu cơ chế và chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn. Đồng thời, nhấn mạnh đổi mới cơ chế và chính sách trong việc phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài, ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc và vùng công tác.