Tại ngôi trường này, học sinh chuyên được phép đăng ký học tích lũy một số học phần của chương trình theo ngành của trường đại học.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được biết đến là một trong những cơ sở đào tạo đại học và sau đại học lớn nhất Việt Nam về các ngành khoa học. Theo đó, ngôi trường này được thành lập vào năm 1993 trên cơ sở tách ra từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Việc học sinh phổ thông có năng lực được đăng ký học chương trình đại học không là điều gì quá mới mẻ ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam chương trình này lại không phổ biến.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, trong chương trình đào tạo của HUS nói riêng và ĐHQGHN nói chung, học sinh THPT chuyên của đại học này và học sinh THPT chuyên trong cả nước từ học kỳ 2 lớp 11 sẽ được đăng ký học tích lũy một số học phần thuộc ngành đào tạo của ĐHQGHN.
Được biết, việc học “tiền đại học” là cơ hội để học sinh có thể làm quen trước với môi trường mới cũng như biết được điểm khác biệt giữa chương trình học phổ thông và đại học, không chỉ về kiến thức mà còn về kĩ năng, tư duy và cả phương pháp học. Điều này sẽ phần nào giúp các em học sinh có sự chuẩn bị cũng như không bị bỡ ngỡ khi chuyển tiếp và xác định ngành học phù hợp hơn, giảm được xác suất chọn học nhầm ngành, nhầm nghề.
Trụ sở chính của trường Đại học Khoa học Tự nhiên nằm tại số 334 Nguyễn Trãi – quận Thanh Xuân (Hà Nội). Tuy nhiên, ngôi trường này còn có một cơ sở khác nằm tại số 19 phố Lê Thánh Tông, trước đây là một đại giảng đường của Đại học Đông Dương.
Đại học Đông Dương được xây dựng từ năm 1923 và được hoàn thành vào năm 1926, do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hesbrard thiết kế, bao gồm nhiều tòa nhà với các giảng đường rộng lớn. Trong đó, có một đại giảng đường ở tòa nhà trung tâm. Ngày nay, đại giảng đường này là hội trường Nguy Như Kon Tum (thuộc quyền sử dụng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên).
Khi tiến vào bên trong là sảnh hội trường chính được lát đá với gam màu rất hút mắt, cùng với đó, mọi hoa văn trên sàn nhà, tường và trần đều được cách điệu dựa theo phong cách Art Nouvean (tân nghệ thuật). Mái vòm đối xứng hình trụ giống như thánh đường hay cung điện ở nước Pháp.
Điểm đặc biệt không thể không nhắc đến khi nói về hội trường Ngụy Như Kon Tum đó chính là Bích họa của Victor Tardieu mô tả cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ XX với sự hiện diện của 200 nhân vật đại diện cho xã hội Việt Nam đương thời. Những năm gần đây, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được đầu tư khá lớn với nhiều trang thiết bị hiện đại, gần 100% giảng đường đều được trang bị đầy đủ màn chiếu và máy chiếu để phục vụ cho nhu cầu dạy và học.
Theo đó, trường có 40 giảng đường chuẩn, trên 100 phòng thí nghiệm và phòng máy phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng đã được đầu tư nhiều dự án xây dựng các phòng thí nghiệm cho Khoa Hóa học, Khoa Sinh học, Khoa Môi trường, Khoa Vật lý, Khoa Địa chất,... Ngoài ra, căng tin trong khuôn viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại cơ sở chính cũng vừa mới được xây lại với thiết kế đẹp mắt, hiện đại.
Trải qua thời gian dài dựng xây và phát triển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đều đứng trong top 5 các tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong những năm gần đây, góp phần quan trọng vào thứ hạng của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng đại học thế giới như QS, THE... Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng đã 2 lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Trường và các đơn vị trực thuộc 4 lần được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức thi THPT quốc gia của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dao động từ 20 - 25,65 theo thang điểm 30; trên 33 điểm đối với các ngành xét theo thang 40. Năm học 2023-2024, mức học phí của trường dao động từ 15,2 đến 35 triệu đồng/năm và sẽ thu theo học kỳ.
Nhìn lại những năm đã qua, ở bất kỳ thời điểm nào, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay luôn khẳng định vị thế dẫn đầu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.