Truyền thông cá thể hóa mới giảm được thuê bao 2G 'cục gạch'
Thời hạn ngừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao di động 2G đang tới gần. Trong bối cảnh đó, chỉ có truyền thông tới từng người dân mới giảm được lượng thuê bao 2G trên mạng lưới.
Tháng 9 tới đây, các nhà mạng sẽ thực hiện pha đầu tiên của lộ trình tắt sóng 2G. Theo đó, các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G) sẽ bị nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ.
Lượng thuê bao 2G tại Việt Nam đang giảm rất nhanh. Tuy nhiên, thị trường di động Việt hiện vẫn còn khoảng hơn 10 triệu thuê bao 2G. Ước tính của các nhà mạng cho thấy, nếu vẫn giữ nguyên tốc độ chuyển đổi như hiện tại, trước thời điểm các doanh nghiệp buộc ngừng hoạt động, cả nước vẫn sẽ còn tới hàng triệu thuê bao 2G trên mạng lưới.
Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, Viettel dự kiến đến thời điểm hạn chót ngày 15/9 sẽ giảm lượng thuê bao 2G xuống còn khoảng 2,2 triệu.
Trong khi đó, với MobiFone, đến tháng 9 năm nay, nhà mạng này dự kiến còn khoảng 700.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi thiết bị.
Lý giải nguyên nhân, ông Tính cho hay, đặc thù của thuê bao Viettel là 73% ở khu vực nông thôn, miền núi. Số lượng hộ nghèo lớn, khả năng tiếp cận máy khó khăn. Về truyền thông, tuy nhà mạng đã làm tốt nhưng do quan điểm, nhận thức của người dân, sẽ có nhiều người dùng đến sát hạn ngày 15/9 mới nâng cấp thiết bị.
Trước thực tế này, Viettel mong muốn Bộ TT&TT có kế hoạch truyền thông để thúc đẩy người dùng 2G chuyển đổi thuê bao sớm, ngay từ bây giờ.
Cùng quan điểm, đại diện MobiFone cho rằng, các thuê bao 2G thường sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa nên nhà mạng khó tiếp cận. Đây chính là một trong những rào cản khiến việc truyền thông khó phủ hết nhóm đối tượng này, dù đã thực hiện với nhiều loại hình như báo chí, website, nhạc chuông chờ...
Theo VNPT VinaPhone, hình ảnh, tài liệu truyền thông đã được bố trí ở 100% các điểm giao dịch, đặc biệt là các khu vực có lượng thuê bao 2G lớn. Điều này nhằm đảm bảo hình ảnh nhận diện về chương trình tắt sóng 2G tiếp cận được với tất cả người dùng.
Nhà mạng này cũng tích cực phối hợp truyền thông cùng các tổ công nghệ số cộng đồng và “seeding” (phát tán) trên các hội nhóm, diễn đàn. Tuy vậy, VinaPhone thừa nhận một thực tế rằng, vẫn có một tỷ lệ khách hàng không nắm được thông tin về chủ trương tắt sóng 2G.
Ngoài khó tiếp cận với khách hàng, các nhà mạng cũng phải đối mặt với một bộ phận thuê bao 2G bất hợp tác, phản ứng lại khi nhận được thông báo yêu cầu chuyển đổi thiết bị.
“Khi tổng đài viên VinaPhone gọi tới các thuê bao 2G, 47% khách hàng đồng ý đổi máy, 25% khách hàng không hợp tác. Với các trường hợp khách hàng lưỡng lự, hoặc cần hỗ trợ tại nhà, tổng đài viên đều sẽ chuyển thông tin đến địa bàn để nhân viên trực tiếp tư vấn, hỗ trợ”, đại diện VinaPhone cho hay.
Với Viettel, tỷ lệ thuê bao 2G không hợp tác chiếm khoảng 30-35%. Tỷ lệ này dao động từ 20-25% với thuê bao của MobiFone và khoảng 20% với Vietnamobile.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) yêu cầu các nhà mạng xác định rõ đối tượng chưa nhận thức rõ về việc chuyển đổi thuê bao và tắt sóng 2G là những ai, ở địa phương nào.
Đại diện Cục Viễn thông cũng đề nghị nhà mạng tập trung tìm hiểu nguyên nhân xem ngoài vấn đề kinh phí, người dùng di động vẫn chưa quen với thiết bị mới hay còn gặp phải khó khăn gì để có biện pháp truyền thông cụ thể với từng đối tượng.
“Các kênh loa đài, tổ công nghệ số cộng đồng rất thiết thực trong việc truyền thông ở vùng sâu, vùng xa. Doanh nghiệp cũng cần xác định chính xác các địa bàn để tập trung, cá thể hóa việc truyền thông với tập khách hàng này, từ đó thay đổi nhận thức người sử dụng”, đại diện Cục Viễn thông đề xuất.
>>Việt Nam còn hơn 10 triệu người dùng điện thoại 'cục gạch'