TSMC, Foxconn và cái giá của việc 'chia tay' Trung Quốc
Đài Loan đang bắt đầu nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của mình. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng.
Trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của đảo Đài Loan – là khách hàng chính của hàng xuất khẩu từ hòn đảo này, đồng thời là nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều doanh nghiệp Đài Loan.
Người đứng đầu Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn – ngành công nghiệp chủ lực của Đài Loan – ngừng mua bán với Trung Quốc. Ông Lại cho rằng các doanh nghiệp Đài Loan, hiện chiếm phần lớn sản lượng chip máy tính tiên tiến toàn cầu, nên tham gia vào chuỗi cung ứng chỉ gồm các công ty đến từ các quốc gia khác.
Tháng trước, chính quyền Đài Loan thông báo rằng các doanh nghiệp nước này sẽ cần giấy phép nếu muốn xuất khẩu sản phẩm sang hai tập đoàn công nghệ quan trọng của Trung Quốc: tập đoàn viễn thông Huawei và hãng sản xuất bán dẫn SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation). Cả hai đều đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự chủ công nghệ bán dẫn.

Động thái này phù hợp với mục tiêu lâu dài của Washington nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các loại chip tiên tiến. Nó cũng phản ánh vị thế khó xử của Đài Loan khi bị kẹt giữa hai siêu cường Mỹ - Trung.
Theo ông Kharis Templeman, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hoover (thuộc Đại học Stanford), Đài Loan muốn được nhìn nhận tại Washington như một đối tác đáng tin cậy của Mỹ, “ngay cả khi điều đó phải đánh đổi bằng tổn thất kinh tế trong ngắn hạn”.

Tuy nhiên, việc tách rời nền kinh tế khỏi Trung Quốc có thể khiến Đài Loan phải trả giá đắt.
Trong nhiều thập kỷ, gần như toàn bộ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Đài Loan đều chảy vào Trung Quốc. Những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan – bao gồm TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) và Foxconn – phát triển nhờ các khoản đầu tư sản xuất tại Trung Quốc và doanh thu từ thị trường Trung Quốc.
Foxconn, công ty sản xuất thiết bị cho Apple và Nvidia, hiện sản xuất một phần đáng kể thiết bị điện tử tiêu dùng toàn cầu tại các nhà máy ở miền Trung Trung Quốc, nơi họ đã hưởng lợi từ nhiều năm đầu tư hạ tầng do nhà nước tài trợ.

Người giàu nhất Đài Loan – ông Barry Lam – xây dựng khối tài sản của mình bằng việc sản xuất máy tính xách tay tại Trung Quốc thông qua công ty Quanta Computer. Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Want Want của Đài Loan cũng phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc để duy trì doanh thu.
Căng thẳng thương mại và đại dịch Covid-19 tiếp tục khiến các doanh nghiệp Đài Loan rút bớt đầu tư khỏi đại lục. Năm ngoái, chỉ còn hơn 7% tổng vốn đầu tư nước ngoài mới của Đài Loan chảy vào Trung Quốc, giảm mạnh so với mức hơn 80% vào năm 2010.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định rằng việc “tách rời hoàn toàn” giữa hai nền kinh tế sẽ rất khó khăn. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Đài Loan – đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Việc xuất khẩu thiết bị công nghệ cao sang Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục là nguồn cơn gây căng thẳng – và thương lượng – giữa Đài Loan và chính quyền Trump trong thời gian tới.
Năm ngoái, một con chip do TSMC sản xuất đã xuất hiện trong thiết bị của Huawei, bất chấp các lệnh kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ, khiến chính quyền Washington phản ứng mạnh. Việc Đài Loan bổ sung Huawei và SMIC vào danh sách kiểm soát thương mại được xem là bước đi nhằm cắt giảm dòng hàng công nghệ vẫn âm thầm chảy sang Trung Quốc.

Vẫn có nhiều yếu tố kinh tế hấp dẫn khiến các doanh nghiệp tiếp tục hiện diện tại đại lục.
Howard Yuan, 36 tuổi, là quản lý tại Superb International ở Thượng Hải – công ty may mặc do gia đình ông thành lập ở Đài Loan và mở rộng sang Trung Quốc từ những năm 1980. Ông cho rằng rất khó để thay thế được các nhà cung ứng từ Trung Quốc.
Ruby Chen, 32 tuổi, cho biết việc khởi nghiệp tại Trung Quốc dễ hơn so với ở Đài Loan. Ba năm qua, cô đã điều hành một doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe theo y học cổ truyền Trung Quốc tại tỉnh Sơn Đông.
“Trung Quốc rất phù hợp với những người mới khởi nghiệp”, cô nói. Chen hiện cũng tổ chức các khóa huấn luyện cho doanh nhân Đài Loan muốn lập nghiệp tại Trung Quốc.
Theo The New York Times
Kinh tế Trung Quốc chống đỡ tốt giữa chiến tranh thương mại
Ông Trump bật đèn xanh, Nvidia chuẩn bị nối lại hoạt động bán chip AI cho Trung Quốc