Từ 1/7, chủ tiệm cafe, kinh doanh tạp hóa… có đăng ký kinh doanh bắt buộc phải thực hiện điều này theo quy định mới của Chính phủ
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách an sinh xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, tại khoản 1 Điều 2, người lao động là công dân Việt Nam, bao gồm cả chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Về căn cứ đóng BHXH, điểm d khoản 1 Điều 31 quy định: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Đối với các đối tượng được quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này, người tham gia có thể lựa chọn mức tiền lương để làm căn cứ đóng, nhưng không thấp hơn mức tham chiếu và không cao hơn 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Theo Điều 32 và điểm a, b khoản 4 Điều 33, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh như sau:
- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản
- 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất
Chủ hộ có thể lựa chọn phương thức đóng linh hoạt như đóng hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng/lần, tùy theo nhu cầu.
Về mức đóng, chủ hộ kinh doanh sẽ đóng BHXH bắt buộc theo mức thấp nhất là 25% của mức tham chiếu và cao nhất là 20 lần mức tham chiếu.
Theo khoản 13 Điều 141 của luật quy định khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được hiểu bằng mức lương cơ sở. Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ, mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở trước đó. Theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức lương cơ sở hiện hành là 2.340.000 đồng/tháng, do đó, mức tham chiếu hiện tại là 2.340.000 đồng.
Như vậy, chủ hộ kinh doanh sẽ đóng BHXH bắt buộc theo mức thấp nhất là 25% của mức tham chiếu, tương đương 585.000 đồng/tháng; mức đóng tối đa tương ứng 20 lần mức tham chiếu.
Ngoài nhóm chủ hộ kinh doanh, Luật BHXH 2024 cũng mở rộng thêm nhiều nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cụ thể:
- Người lao động làm việc không trọn thời gian, bao gồm hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, lao động bán thời gian… nếu có mức lương bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu thì thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc, bao gồm cả chế độ ốm đau và thai sản.
- Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng tiền lương – gồm thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước… cũng phải tham gia BHXH bắt buộc.
- Các nhóm đối tượng linh hoạt khác, nếu có việc làm và thu nhập ổn định, sẽ được xác định theo đề xuất của Chính phủ nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và sự thay đổi trong quan hệ lao động.
Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách an sinh xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động trong nền kinh tế đang chuyển động linh hoạt và đa dạng.
>> Đề xuất mới: Sau sắp xếp, Trưởng Công an xã có thẩm quyền xử phạt như Trưởng Công an cấp huyện
Từ 1/7, 3 nhóm đối tượng này bị cắt lương hưu, trợ cấp BHXH, ai thuộc nhóm này cần đặc biệt lưu ý
Chính thức từ 1/7, muốn hưởng BHXH một lần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau