Từ chối Nhật, láng giềng Việt Nam chọn công nghệ cao Trung Quốc làm siêu dự án đường sắt cao tốc huyết mạch hơn 7 tỷ USD, gồm 13 đường hầm, 4 nhà ga nối hai trung tâm kinh tế lớn
Dự án đường sắt cao tốc này được cho là sẽ mở ra một số khu kinh tế mới dọc theo hành lang Jakarta - Bandung.
Đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung là một trong những dự án giao thông quan trọng tại Indonesia và nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm ùn tắc giao thông và nâng cao kết nối giữa các thành phố lớn, dự án này là một phần trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của Indonesia, góp phần hiện đại hóa đất nước.
Đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung dài khoảng 142km kết nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung, hai trung tâm kinh tế và văn hóa quan trọng của Indonesia.
Nó gồm 13 đường hầm và 4 nhà ga; ga Halim ở thủ đô Jakarta có quy mô lớn nhất với diện tích 26.000m2, đủ cho 2.500 người ngồi đợi tàu.
Thời gian di chuyển dự kiến chỉ khoảng 40 phút nhờ hệ thống tàu cao tốc có tốc độ vận hành tối đa khoảng 350km/h - nhanh hơn nhiều so với 3 tiếng đi xe hiện tại. Từ đó, tuyến đường này sẽ làm thay đổi cách thức đi lại của hàng triệu người dân, cũng như thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư giữa hai thành phố.
Đặc biệt, Jakarta và Bandung là hai đô thị phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Indonesia, và việc cải thiện kết nối giữa chúng là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển khu vực.
Nikkei Asia cho biết, ban đầu, Indonesia dự định áp dụng công nghệ đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật Bản, tuy nhiên, vào năm 2015, Indonesia đã chuyển sang đề xuất do Trung Quốc đưa ra.
Theo đó, dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đã được Chính phủ Trung Quốc và Tập đoàn liên doanh Indonesia - Trung Quốc PT Kereta Cepat (PT KCIC) tài trợ và hỗ trợ thi công. Tổng chi phí xây dựng vào khoảng 7,3 tỷ USD.
Ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia cũng cho biết phía công ty đường sắt Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho Jakarta để phía Indonesia có thể tự sản xuất các đoàn tàu cao tốc trong tương lai.
Trung Quốc, với kinh nghiệm và thành công trong việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc nội địa, đặc biệt là trong việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc như Beijing - Shanghai, Guangzhou - Shenzhen, đã áp dụng công nghệ tiên tiến vào dự án này.
Các công nghệ sử dụng trong tuyến Jakarta - Bandung bao gồm hệ thống đường ray cảm biến thông minh, hệ thống giám sát động đất và cảnh báo sớm, từ đó nâng cao độ chính xác và hiệu suất hoạt động của hệ thống.
Với việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung sẽ giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn.
Dự án đường sắt cao tốc này cũng được cho là sẽ giúp mở ra một số khu kinh tế mới dọc theo hành lang Jakarta - Bandung, theo đó thúc đẩy sự phát triển của các khu dân cư và trung tâm đô thị khác.