Đặc điểm không lẫn vào đâu được trong cách giao dịch của P-Notes là tấn công cực mạnh, các cổ phiếu hầu như kéo thẳng tắp không có nhịp chỉnh và gần như không có cơ hội cho nhà đầu tư chậm chân có thể mua.
Biểu đồ VN-Index đầu tháng 4/2022 đến nay
VN-Index đã có tuần hồi phục thứ 3 liên tiếp kể từ sau khi tạo mức đáy 874 điểm ngày 16/11/2022. Kết tuần giao dịch từ 28/11 - 2/12/2022, chỉ số tăng tới 108 điểm - 11,17% để trở lại mốc 1.080 điểm đồng thời cùng tăng 23,6% kể từ mức thấp điểm này.
Tuy nhiên, so với mức 1.524 điểm hồi đầu tháng 4 vừa qua, VN-Index hiện vẫn còn thấp hơn 440 điểm - tương ứng giảm gần 30% sau 8 tháng.
Dẫu giảm điểm song nhịp hồi mới đây của thị trường ít nhiều cũng đang kéo lại tinh thần cho hàng vạn nhà đầu tư sau quãng thời gian gồng lỗ và cắt lỗ.
Đà tăng của thị trường được hỗ trợ chính bởi dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài trong 1 tháng qua trong đó tổng giá trị mua ròng tính từ ngày 3/11 - 2/12/2022 là hơn 19.000 tỷ.
Chia sẻ về dòng vốn của khối ngoại trên VNeconomy, theo chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn - người sáng lập CTCP FIDT, cơ cấu tổng giá trị mua ròng của khối ngoại có đóng góp từ quỹ ETF ngoại (tỷ trọng 30%) mà phần lớn là của Fubon ETF khoảng 4.500 tỷ, ETF nội khoảng 1.100 tỷ.
Như vậy, 13.400 tỷ đồng giá trị mua ròng còn lại đến từ đâu vẫn là điều mà rất nhiều nhà đầu tư chưa có câu trả lời.
Theo tìm hiểu, hiện quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF đạt xấp xỉ 20 tỷ Đài tệ, tương ứng hơn 15.900 tỷ đồng. Đây là quỹ ETF bám sát theo chỉ số FTSE Vietnam 30 và đã giải ngân gần hết số tiền trên nên quy mô khối ngoại mua ròng trong tuần vừa qua cho thấy có dấu chân của một nhóm khối ngoại khác.
Chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn
Ông Tuấn nhấn mạnh, tiền này nằm ở một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư được gọi là Participatory Notes hay còn gọi là P-Notes, được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Để phát hành P-Notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn bao gồm các cổ phiếu bluechips, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-Notes cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán của nước sở tại.
P-Notes đặc biệt thu hút nhà đầu tư nhờ đặc điểm vừa mang tính chất của một chứng chỉ quỹ (CCQ), vừa mang tính chất của một công cụ thanh toán tương tự như thương phiếu. Theo đó, chủ thể sở hữu P-Notes không cần phải đăng ký thông tin với cơ quan quản lý và vẫn được hưởng đầy đủ quyền nhận cổ tức và lãi vốn từ danh mục chứng khoán đầu tư.
Nhận diện sự xuất hiện
"Đặc điểm không lẫn vào đâu được trong cách giao dịch của P-Notes là tấn công cực mạnh, các cổ phiếu hầu như kéo thẳng tắp không có nhịp chỉnh và gần như không có cơ hội cho nhà đầu tư chậm chân có thể mua. Thanh khoản thường khi P-Notes vào tăng rất mạnh, cứ ngỡ như là thanh khoản trong uptrend.
Một đặc điểm nữa là P-Notes thường vào ở những thời điểm thị trường trông rất yếu, thanh khoản lẹt đẹt hoặc sau đoạn vừa giảm mạnh", ông Tuấn lưu ý.
Về thời gian giao dịch nhìn vào đồ thị quá khứ của VN-Index và các mã như HPG, SSI, VIC, VHM,... có thể thấy P-Notes thường mua rất mạnh vào các tháng cuối năm hoặc các tháng đầu năm.
Ngoài ra, dòng vốn P-Notes này đầu cơ cực cao, vào rất nhanh và ra cũng rất nhanh nên đến khi bán ròng thì cũng cực kì "rát".
Mặc dù khó dự đoán chính xác nhưng khoảng thời gian mua mạnh nhất của P-Notes thường kéo dài khoảng 1,5 - 2 tháng.
Giai đoạn cuối 2009 đến 2010, khối ngoại mua ròng liên tục 15 tháng. Chỉ tính riêng trong năm 2010, khối ngoại đã mua ròng 15.250 tỷ đồng. Thời điểm đó các quỹ ETF chỉ đóng góp khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy, phần khối ngoại khuyết danh mua ròng là dấu chân của P-Notes.
Trước đó sau giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Vn-Index rơi không phanh từ gần 1.180 điểm về 235 điểm và đến năm 2009 là giai đoạn bơm tiền mạnh đẩy chỉ số từ 235 điểm lên 632 điểm và rơi lại về 427 điểm cuối năm 2009.
Đó là thời điểm dòng tiền từ P-Notes đổ bộ lần đầu vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cổ phiếu vốn hóa lớn được P-Notes mua mạnh vào thời điểm đó là HPG, VIC, BVH, HAG, VNM, VCB, PVD, SSI, MSN. Các cổ phiếu tăng mạnh nhất giai đoạn này có thể kể đến HPG tăng 3,5 lần, BVH tăng 5 lần, VIC tăng 10 lần,...
Giai đoạn tiếp theo có thể có dấu chân của P-Notes là 2016, đây là giai đoạn chỉ mua và gần như không bán.
Một giai đoạn nữa gần đây cũng khá rõ ràng có dấu chân của P-Notes là cuối 2018 đến tháng 3/2019.
Kiểm nghiệm sức tác động của dòng tiền P-Notes
Chuyên gia đến từ FIDT cho rằng, đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn và thường được cho là mang tính đầu cơ cao. Rủi ro của P-Notes là sự biến động rất khó dự báo.
Với cơ chế chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa và thanh khoản lớn, có ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số vào thời điểm mua thì một số mã được khối ngoại mua ròng mạnh thời gian qua như HPG, VIC, VHM, MSN, CTG, SSI, VRE gần như chắc chắn có trong danh mục của P-Notes.
Chỉ tính riêng trong tuần đầu tháng 12 (từ 28/11 - 2/12), khối ngoại đã mua ròng khớp lệnh gần 8.000 tỷ đồng trong đó các mã được mua ròng mạnh nhất HPG (1.435 tỷ), VHM (1.308 tỷ), STB (801 tỷ), SSI (559 tỷ), VIC (685 tỷ), MSN (564 tỷ), CTG (355 tỷ), KBC (280 tỷ),...
Sau khi đồng loạt rơi về các vùng giá thấp nhất 2 năm, cổ phiếu HPG, SSI, STB,... đều đã được kéo mạnh và trở lại vùng giá 20.x đồng với mức tăng từ 60% trở lên. Đây cũng là diễn biến chung ở rất nhiều mã bluechip khác.
Đáng nói, đà tăng của các cổ phiếu trụ này là khá tương đồng với diễn biến hồi phục mạnh của chỉ số VN-Index trong cùng thời điểm.
Dòng tiền P-Notes là dòng tiền mang nặng tính đầu cơ; mua mạnh cổ phiếu nào cổ phiếu đó sẽ tăng thần tốc.
Một số mã hiện tại như HPG, SSI, CTG,... đang lặp lại khá giống cách đánh năm 2019. Ngoài ra có thể xem thêm một số mã khác như VIC, VHM, VRE để thấy sự tương đồng.
Các cổ phiếu sau khi đạt đỉnh thường không rơi ngay mà sẽ có một đoạn co giật và rung lắc cực mạnh ở vùng đỉnh, đây có thể là đoạn phân phối hàng.
Minh chứng dễ thấy nhất là tại cổ phiếu HPG khi khối ngoại đã rót ròng 17/20 phiên gần nhất (tính từ ngày 8/11 - 5/12/2022) với giá trị 2.481 tỷ đồng. Trong thời điểm này, cổ phiếu HPG tăng mạnh từ mức 13.150 đồng lên 20.000 đồng thị giá - tương ứng tăng 52%.
Trước đó, từ 12/2 - 7/3/2019, khối ngoại mua ròng gần 1.100 tỷ đồng tại cổ phiếu HPG cũng sau 17/20 phiên. Trong cùng thời điểm, cổ phiếu HPG tăng từ 27.300 đồng lên mức 34.100 đồng thị giá - tương ứng tăng 25%.
2 tháng sau đó (trong các tháng 4 - 5 và đầu tháng 6/2019) cổ phiếu này ghi nhận các diễn biến lình xình vùng giá 30 - 33.x đồng và điều chỉnh (pha loãng sau tăng vốn) về còn 23.x đồng thị giá.
Rõ ràng, việc cả trăm cổ phiếu cùng hồi phục mạnh từ đáy là một tín hiệu vui đối với thị trường. Tuy nhiên, việc cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp nhà ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm và tiếp tục được dự báo gặp khó như Tập đoàn Hòa Phát phần nào đem đến cho nhà đầu tư một các giác lo lắng bởi cổ phiếu nếu không có câu chuyện tốt thì khó tăng bền.
Nhìn quá khứ có thể thấy một số mã cổ phiếu sau khi được P-Notes mua thường sau khi tạo đỉnh và rớt lại thì tạo mặt bằng đáy cao hơn như các mã nhóm ngân hàng hoặc nhóm Vin; HPG thì tạo đáy bằng còn đối với các mã thuộc nhóm chứng như SSI sẽ sideway down và sau đó thủng rất mạnh khỏi đáy cũ.
"Hiện tại dòng vốn này có thể đã vào đâu đó khoảng 2 tuần và theo dự đoán chủ quan, dòng vốn này sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 12 và cuối tháng 12", ông Tuấn kỳ vọng.
Nếu khả năng trên thực sự diễn ra, không ngoại trừ khả năng nhịp tăng của loạt cổ phiếu trụ có thể sẽ sớm kết thúc trong năm 2022 và rủi ro có thể xuất hiện với các nhà đầu tư nhập cuộc "chậm chân".
Nếu chỉ xét riêng ở nhóm cổ phiếu bất động sản, với những vướng mắc gặp phải kể từ đầu năm 2022, ông Võ Văn Cường - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) trong một chia sẻ mới đây cho rằng giá nhóm bất động sản đã giảm mạnh trong tháng 9, 10. Khi dòng tiền hồi phục trở lại giúp cổ phiếu nhóm này tăng giá nhưng nếu xem xét kỹ thì câu chuyện cơ bản của doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc đà tăng của nhóm cổ phiếu này, kể cả các cổ phiếu đầu ngành có thể chỉ là ngắn hạn, khả năng tăng trưởng trong trung và dài hạn là điều vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế, nhà đầu tư cần cân nhắc các động thái chốt lời nhằm bảo toàn lợi nhuận.
Gom mạnh từ vùng đáy, khối ngoại bán giá nào cũng có lãi
Khối ngoại tăng bán cổ phiếu VNM (Vinamilk) sau 2 tháng liên tục mua vào