Sau sự việc nhóm cổ phiếu VIC, VHM và VRE được giải cứu cuối phiên 11/7/2022, nhiều cổ đông tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc "cá mập" đỡ giá cổ phiếu lớn phiên ATC gây thiệt hại trực tiếp đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Như chúng tôi đã đưa tin, trong 15 phút phiên ATC ngày 11/7/2022, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup bất ngờ xuất hiện lệnh mua lớn vùng giá cao (hơn 1,2 triệu đơn vị) qua đó giúp mã đổi màu từ mức 66.300 đồng (-6%) và hồi trở lại tham chiếu.
Cổ phiếu VIC và lệnh mua hơn 1,2 triệu đơn vị với giá tham chiếu
phiên ATC
Tương tự, các lệnh mua lớn trong phiên ATC đã giúp VHM (Vinhomes) thu hẹp đà giảm về dưới -1% hay VRE (Vincom Retail) về còn -3,7%. Điều này đã giúp đà giảm của thị trường được thu hẹp đáng kể còn 16 điểm.
Đáng nói, trước khi các lệnh này xuất hiện, nhóm cổ phiếu họ "Vin" gần như vẫn đang chìm rất sâu trong đó cổ phiếu VHM rơi về đáy ngắn hạn tháng 4, VRE là đáy tháng 5/2022 còn VIC đang gần sát đáy tháng 3/2020.
Ghi nhận trong phiên giảm điểm ngày 11/7, vốn hóa thị trường trên HOSE giảm 64.000 tỷ đồng về còn 4,59 triệu tỷ đồng trong đó nhóm cổ phiếu họ Vin mất tổng cộng 4.450 tỷ đồng (VHM - 2.180 tỷ đồng và VRE -2.272 tỷ đồng).
Bước sang nửa đầu phiên sáng 12/7, bộ ba cổ phiếu họ "Vin" tiếp tục biến động tiêu cực trong đó VIC giảm 2,6%, VHM giảm 2%, VRE giảm 0,4% (lúc 9h45).
Liên quan đến các diễn biến này, ngày 11/7, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn Bộ Công an đã bác tin đồn về việc Chủ tịch Tập đoàn Vingroup bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng Bộ Công an đã xác minh, làm rõ, chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử lý theo quy định của pháp luật đối với với Tô Vĩ Hoàn (SN 1984, trú tại Phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) có hành vi đưa thông tin thất thiệt liên quan đến Tập đoàn Vingroup, ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán. Đơn vị này cũng đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với 9 cá nhân tại 7 tỉnh thành khác đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup.
Trở lại với câu chuyện các lệnh mua lớn của "tay to" phiên ATC tại nhóm cổ phiếu họ "Vin" trong phiên 11/7, trên diễn đàn, nhiều nhà đầu tư tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc "cá mập" đỡ giá cổ phiếu lớn gây thiệt hại trực tiếp đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
[Chứng khoán cười] "Ông nào bán sàn cổ phiếu GAS phiên ATC?"
FB Phương Nguyễn Thanh nêu ý kiến: "Tung tin đồn cho nhà đầu tư yếu vía bung hàng thì lái gom giá rẻ xong kéo về tham chiếu. Xem như lái bữa nay được bữa gom giá rẻ rồi, 2 - 3 phiên sau ra tin xác thực thì lại phi ầm ầm".
Cũng liên quan đến việc các "tay to" đỡ giá cổ phiếu họ Vin, FB Hoàng Quân nêu ý kiến: "Chừng nào bỏ T+ và có mua bán hai chiều lúc đó mới minh bạch thực sự thì hãy chơi". Đồng quan điểm, FB LuuQuang Lap cho rằng: "Chưa bỏ ATC thì chưa phát triển được"
FB Lee Jeremy cho rằng: "ATC là sân khấu ảo thuật để cho các Lái biểu diễn và úp BÔ". Tương tự, FB Lâm Lê bình luận: "Ở Việt Nam mới có ảo thuật ATC để xem thôi".
Hay dở phiên ATC
Với sự xuất hiện các hiện tượng thao túng giá cổ phiếu ngày càng tinh vi, ngày 5/6/2022, Bộ Tài chính cho biết đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe và giám sát các hoạt động trên thị trường.
Trước đó, UBCKNN và các Sở cũng đã liên tục có những thay đổi như: Công bố công khai, miễn phí số liệu giao dịch tự doanh chứng khoán; điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30; doanh nghiệp phải công bố thông tin nếu cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tiếp,…
Những thông điệp và hành động quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ cùng các bộ ngành trong thời gian gần đây được đánh giá sẽ có những tác động tích cực với thị trường chứng khoán trung và dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những quy định về giao dịch chứng khoán hiện đã bộc lộ rất nhiều bất cập và gây thiệt hại không hề nhỏ cho nhà đầu tư, điển hình là phiên giao dịch ATC.
Có thể thấy trong rất nhiều phiên ATC, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến sự bốc hơi hoặc tăng "ngỡ ngàng ngơ ngác và bật ngửa" về điểm số; việc xác định mức giá đóng cửa của cả phiên giao dịch quyết định trong 15 phút cuối phiên khiến không ít nhà đầu tư cho rằng có “hiện tượng lạ”.
Trong nhiều tình huống, cổ phiếu bất ngờ tăng trần giảm sàn chỉ trong những phút giao dịch cuối phiên ATC. Một lượng mua hay bán cổ phiếu lớn khiến mức giá đóng của của các cổ phiếu có thể đối lập hoàn toàn so với phần lớn thời gian giao dịch trong ngày.
Đáng nói hơn, những “hiện tượng lạ” trong phiên giao dịch ATC thường xuyên xuất hiện trong những ngày giao dịch mang tính chu kỳ như đáo hạn hợp đồng phái sinh hay chốt dữ liệu danh mục vào cuối các quý, năm; một số phiên giao dịch cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ, quỹ hoán đổi danh mục hay p-notes khiến phiên ATC có nhiều bất ngờ.
Trên các diễn đàn, hội nhóm về đầu tư chứng khoán, không ít ý kiến cho rằng việc bị “đạp” phiên ATC làm méo mó mức độ chân xác của thị trường đồng thời kiến nghị loại bỏ phiên ATC.
Đánh giá về phiên giao dịch ATC, ông Hoàng Thanh Tùng, CEO CTCP Đầu tư Finpros cho rằng, không phải tất cả thị trường đều sử dụng phiên ATC. Một số thị trường kết thúc bằng chính mức giá đóng cửa. Tuy nhiên, phiên ATC lại có điểm hay đó chính là phiên đấu giá mà mọi nhà đầu tư đều tham gia vào.
Về mặt lý thuyết, phiên ATC giúp định giá chính xác hơn là việc đột nhiên kết thúc thị tường. Tuy nhiên trên thực tế, phiên ATC hay xảy ra một số hiện tượng lạ.
"Cá nhân tôi thấy phiên đấu giá là phiên ATO. Nhiều thị trường thường tạo phiên ATO và không có phiên ATC vì khi mở bảng giá ra không biết giá bao nhiêu, nhà đầu tư có một phiên đấu giá trước để mở cửa thị trường", chuyên gia Finpros nói.
Bỏ phiên ATO, ATC
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nếu xét về mặt logic, nhà đầu tư hoàn toàn bị động và các hoạt động thao túng, làm giá rất dễ phát sinh trong phiên ATO và ATC.
"Ngoài ra, ATC, ATO cũng gây ra sự bất hợp lý khi không phản ánh đúng bản chất cung cầu và làm thanh khoản thị trường bị ảnh hưởng. Theo tôi có thể bỏ ATC và giữ lại ATO hoặc bỏ cả 2", ông cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư S-Talk cũng cho rằng với mục tiêu nâng hạng và chống thao túng, có thể bỏ phiên ATO, ATC.
Theo chuyên gia này, những thời kỳ đầu khi thanh khoản thị trường thấp, chứng khoán còn chưa phổ biến rộng khắp, phiên ATO, ATC là cần thiết. Tuy nhiên khi thị trường đã phát triển lên rất nhiều, bỏ ATO rõ ràng không ảnh hưởng đến định hướng giá cho nhà đầu tư. Trong khi đó, phiên ATC có phần khó hơn khi bắt buộc phải xác định giá đóng cửa (là giá tham chiếu cho ngày hôm sau).
“Có thể áp dụng biện pháp lấy giá trung bình vào 30 phút cuối phiên, tuy nhiên không có gì là hoàn hảo, nhưng giải pháp này ít nhất cũng tốt hơn. Trên thế giới thời gian đầu cũng có ATO, ATC nhưng sau này đều bỏ”, ông Điệp nhấn mạnh.
Khối ngoại tung 16 lệnh bán phiên ATC, 300 triệu cổ phiếu của một ngân hàng VN30 đổi chủ
AI, 6G và bán dẫn mở ra chân trời mới cho tăng trưởng toàn cầu