Quốc tế

Túi Dior và bê bối đệ nhất phu nhân, đồ hiệu đắt đỏ nhiều tai tiếng

Mạnh Hà 26/01/2024 - 07:59

Thương hiệu thời trang mang phong cách cổ điển Dior của Pháp dính nhiều tai tiếng trong hoạt động kinh doanh. Hàng hiệu xa xỉ này còn gắn với vụ bê bối liên quan tới các nhân vật nổi tiếng, thậm chí liên quan cả nguyên thủ.

Bê bối liên quan tới Dior

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon Hee đang đối mặt với một vụ bê bối có thể ảnh hưởng tới kết quả một cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 4/2024.

“Bê bối túi Dior” nổi lên sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol và vợ chọn cách im lặng trước sóng dư luận bắt nguồn từ một video phát hồi tháng 11/2023 của kênh Voice of Seoul trên Youtube. Đoạn video được ghi hình bí mật cho thấy đệ nhất phu nhân Hàn Quốc nhận một chiếc túi Dior của một mục sư người Mỹ gốc Hàn vào tháng 9/2022.

Mục sư Choi được biết đến là người tham gia các hoạt động liên quan đến Triều Tiên, ủng hộ chính sách xích lại gần Bình Nhưỡng.

Chiếc túi Dior có giá khoảng 2.300 USD có thể khiến bà Kim Keon Hee vi phạm luật chống hối lộ.

tongthonghanquoc rt.gif
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân Kim Keon Hee. (Ảnh: Reuters)

Vụ việc có thể sẽ không leo thang nếu đó chỉ là một chiếc túi không tên tuổi hoặc của một thương hiệu bình thường, giá chỉ vài trăm nghìn hoặc một vài triệu đồng. Nhưng chiếc túi là Dior - một thương hiệu từng được Vương phi Diana yêu thích (Lady Dior).

Trong lịch sử 77 năm hình thành, thương hiệu Dior luôn định vị là hàng hiệu cao cấp, có hơi hướng cổ điển. Chiếc túi mà bà Kim được tặng có giá lên tới hơn 55 triệu đồng.

Chiếc túi xa xỉ, có giá cao cũng đồng nghĩa với việc nó có thể khiến người nhận rơi vào tội tham nhũng.

Trước đó, Dior là thương hiệu hiếm hoi giữ quan hệ hợp tác với Johnny Depp trong cuộc chiến pháp lý dài hơi giữa nam diễn viên với người đẹp phim Aquaman - Amber Heard. Johnny Depp lao đao khi bị Hollywood ghẻ lạnh. Dior được cho là cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chiến thắng hồi giữa năm 2022 của tài tử điện ảnh trong loạt phim Cướp biển vùng Caribbean đã giúp dòng nước hoa dành cho nam Sauvage của Dior do Johnny Depp là gương mặt đại diện (từ 2015) được săn lùng ráo riết.

dior phunutrungquoc globaltimes.gif
Bức ảnh người phụ nữ Trung Quốc cầm túi Dior gây tranh cãi. Ảnh: Globaltimes

Hàng hiệu xa xỉ gắn liền nhiều tai tiếng

Là một thương hiệu được định vị gắn liền với hàng hiệu cao cấp, các sản phẩm số lượng giới hạn (limited) của Dior luôn khiến mọi người ở vào tình trạng “muốn có”. Giá bán túi hiệu Dior ở mức rất cao, có thể mua đi bán lại và thậm chí có lời. Do vậy, hàng hiệu cao cấp như Dior thường được dùng làm quà tặng xa xỉ, cho những người có vị thế, giàu có trong xã hội.

Giá trị vật chất cao cũng đồng nghĩa với tiền bạc nhiều và đôi khi lại là tai tiếng.

Tuy nhiên, thương hiệu Pháp dính tai tiếng còn do cuộc chiến khẳng định vị thế số 1, yếu tố văn hóa ở từng nước khác nhau và nỗ lực theo đuổi phong cách “cổ điển”.

Có thể thấy, trong lịch sử nhiều thập kỷ, thương hiệu Dior dẫn dắt thị trường thời trang thế giới, từ những chiếc váy hơi hướng cổ điển làm nên cuộc cách mạng thời trang ở Pháp những năm sau Thế chiến thứ 2. Rồi làm mưa gió tại New York, Sydney, London, Hong Kong (Trung Quốc),...

Sau váy, năm 1955 Dior đưa ra thị trường son môi đầu tiên mang thương hiệu này, rồi sau đó là quần áo may sẵn cho trẻ em.

Năm 1978, công ty mẹ của Dior là Tập đoàn Boussac tuyên bố phá sản. Dior được tỷ phú đứng sau Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) - Bernard Arnault mua lại. Ông là người giàu thứ 2 thế giới với khối tải sản tính tới ngày 25/1/2024 đạt 184 tỷ USD.

Vị tỷ phú này tiếp nối con đường “cổ điển” của nhà sáng lập Christian Dior (1905-1957) và các giám đốc nghệ thuật của Dior để lại trước đó và còn lấn sân sang trang phục dành cho nam giới.

dior trungquocphandoi.gif
Người Trung Quốc phản đối việc "Dior đạo nhái váy Mã Diện" tại Paris.

Sở dĩ Dior gắn liền với nhiều tai tiếng có lẽ cũng bởi thương hiệu này thường dẫn dắt ngành thời trang thế giới, tấn công vào các thị trường hàng xa xỉ lớn trên toàn cầu. Đối tượng khách hàng của Dior là những người có tiền, có quyền.

Tuy nhiên, chính định hướng phong cách “cổ điển” và nỗ lực mở rộng ra các thị trường cũng tạo ra những xung đột văn hóa. Gần đây, trong quá trình thâm nhập vào thị trường hàng xa xỉ trị giá vài chục tỷ USD của Trung Quốc, chủ thương hiệu Dior đã bị phản đối khi có những thử nghiệm mới gắn với vắn hóa bản địa.

Thương hiệu thời trang Dior đối mặt với những chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội về một bức ảnh quảng cáo bị coi là bôi nhọ hình ảnh phụ nữ Trung Quốc, thời điểm cuối năm 2021. Bức ảnh được trưng bày tại triển lãm thời trang Dior tại Trung tâm Nghệ thuật West Bund, Thượng Hải rồi sau đó được đăng lên các nền tảng xã hội.

Bức ảnh được nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Trung Quốc Chen Man chụp một người mẫu có đôi mắt xếch một mí, mặt tàn nhang, trang điểm ma quái, làn da ngăm đen, mặc trang phục truyền thống của người Trung Quốc và cầm một chiếc túi Dior.

Nhiều người chỉ trích bức ảnh mô tả phụ nữ Trung Quốc theo cách giống với khuôn mẫu của phương Tây. Một số tờ báo Trung Quốc cho rằng, bức ảnh cho thấy niềm kiêu hãnh và định kiến của các hãng thời trang phương Tây về thẩm mỹ và văn hóa. Nhiều cư dân mạng cũng chỉ ra bức ảnh không phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp điển hình ở Trung Quốc: da trắng và đôi mắt to.

Theo Global Times, hồi giữa năm 2022, Dior cũng bị người dân Trung Quốc biểu tình phản đối với cáo buộc hãng này có hành động "chiếm đoạt văn hóa". Theo đó, chiếc váy dài xếp ly màu đen nằm trong bộ sưu tập Thu 2022 của Dior mang nhiều nét tương đồng với trang phục truyền thống váy Mã Diện đời nhà Minh của Trung Quốc.

lvmh bantrailisa.gif
Frédéric - Alexandre được người cha tỷ phú tiến cử vào hội đồng quản trị của đế chế LVMH.

Sau cáo buộc sao chép thiết kế của váy Mã Diện, Dior còn bị chỉ trích khi sử dụng họa tiết giống tranh cổ của Trung Quốc trên sản phẩm áo len có họa tiết bức tranh hoa cỏ và chim muông. Dior sau đó đã thu hồi toàn bộ các sản phẩm này ở thị trường Trung Quốc.

Việc các thương hiệu xa xỉ thường phải gắn bó với các nhân vật nổi tiếng cũng có nhiều rủi ro tai tiếng.

Gần đây quý tử thứ 3 của ông chủ LVMH Bernard Arnault - Frédéric Arnault có cơ hội trở thành lãnh đạo đế chế xa xỉ sau khi tỷ phú Bernard Arnault (74 tuổi) ngay đầu năm mới 2024 có kế hoạch đề cử 2 trong số 5 người con vào HĐQT của LVMH. Tỷ phú Arnault và gia đình đang sở hữu khoảng 48% cổ phần LVMH và gần 64% quyền biểu quyết tại đế chế này.

Frédéric Arnault (29 tuổi) là bạn trai tin đồn của Lisa BlackPink. Lisa bị thất sủng và vướng nghi vấn bị thị trường Trung Quốc "phong sát" sau ồn ào thoát y tại hộp đêm Crazy Horse.

>> Mẹ vợ Tổng thống Hàn Quốc bị bắt vì tội giả mạo giấy tờ ngân hàng

'Bê bối túi Dior' của đệ nhất phu nhân Hàn Quốc

Chuỗi cửa hàng kinh doanh phở ‘hàng hiệu’ Big Bowl của ông Jonathan Hạnh Nguyễn đang làm ăn ra sao?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tui-dior-va-be-boi-de-nhat-phu-nhan-do-hieu-dat-do-nhieu-tai-tieng-2243824.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Túi Dior và bê bối đệ nhất phu nhân, đồ hiệu đắt đỏ nhiều tai tiếng
    POWERED BY ONECMS & INTECH