Tuổi thọ của con người sắp đạt đến giới hạn
MỸ - Nhà khoa học S. Jay Olshansky đã đưa ra bằng chứng về tốc độ tăng tuổi thọ đang chậm lại thông qua nguồn dữ liệu 30 năm.
Olshanksy và các cộng sự đã công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature Aging ngày 14/10 chứng minh mặc dù tuổi thọ của con người vẫn tăng ở các nước phát triển nhưng tốc độ đang chậm lại. Điều đó cho thấy loài người có thể đã tiến gần đến giới hạn sinh học.
Thế kỷ XX chứng kiến sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ trung bình của con người trên thế giới. Năm 1900, tuổi thọ trung bình toàn cầu dưới 50 tuổi, tới năm 2021, con số đó đạt 77 tuổi.
Nhờ những tiến bộ về y học và công nghệ, tuổi thọ trung bình ở các nước phát triển tăng thêm khoảng 3 năm sau mỗi thập kỷ. Nhiều nhà khoa học dự đoán rằng sự gia tăng này sẽ tiếp tục vô thời hạn. Một số thậm chí còn tuyên bố hầu hết những người sinh ra ngày nay sẽ sống đến 100 tuổi.
Tuy nhiên, vào năm 1990, nhà dịch tễ học S. Jay Olshansky, hiện làm việc tại Đại học Illinois Chicago (Mỹ), đã công bố một nghiên cứu gây tranh cãi phản bác lại quan niệm trên. Ông lập luận rằng mặc dù có những tiến bộ không thể phủ nhận trong lĩnh vực y tế, sự gia tăng tuổi thọ sẽ chậm lại và ổn định ở mức 85 tuổi.
“Năm 1990, chúng tôi dự đoán rằng tuổi thọ trung bình sẽ chậm lại và các can thiệp y tế sẽ ngày càng ít ảnh hưởng. Nhiều người không đồng tình với quan điểm này. Chúng tôi đã đợi 3 thập kỷ để xem điều gì thực sự xảy ra, chúng tôi hiện đã biết câu trả lời chính xác như đã dự đoán”, Olshansky nói với CNN.
Để đi đến kết luận, các tác giả đã xem xét dữ liệu từ năm 1990 đến năm 2019 ở các quốc gia có tuổi thọ cao nhất: Australia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét thông tin của Mỹ, mặc dù tuổi thọ trung bình của nước này không gần với thứ hạng cao nhất và thực tế đang giảm trong những năm gần đây.
Phân tích cho thấy tốc độ tăng tuổi thọ trung bình ở các nước trên đang chậm lại trong những thập kỷ được nghiên cứu, ngoại trừ Hàn Quốc.
Từ năm 1990, tuổi thọ trung bình tăng khoảng 2,5 năm mỗi thập kỷ. Đến những năm 2010, con số này đã giảm xuống còn 1,5 năm và gần như bằng 0 ở Mỹ.
Cuối cùng, các nhà khoa học chỉ ra rằng nghiên cứu của họ ủng hộ những nỗ lực làm chậm quá trình lão hóa, giúp thời gian sống khỏe mạnh kéo dài thay vì thời gian chúng ta thở. Luigi Ferrucci, Giám đốc khoa học tại Viện Lão khoa Quốc gia Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, cũng cho rằng những tiến bộ y học có thể trì hoãn sự khởi phát của các bệnh liên quan đến lão hóa.