Sự bùng nổ của AI đã đẩy giá cổ phiếu lên cao kỷ lục, gây lo ngại về nguy cơ xảy ra bong bóng trên thị trường.
Business Insider (BI) cho hay, giới phân tích gần đây đã có rất nhiều thảo luận về việc thị trường chứng khoán đang ở trong “bong bóng” trong năm qua khi sự bùng nổ về AI đẩy giá cổ phiếu lên mức cao kỷ lục.
Chiến lược gia Andrew Garthwaite từ UBS đã phác thảo 8 dấu hiệu cảnh báo về bong bóng thị trường chứng khoán - và theo Garthwaite, 6 trong số đó đã nhấp nháy đèn đỏ.
Điều đó có nghĩa là thị trường chứng khoán chưa ở trong tình trạng bong bóng, nhưng có thể sẽ sớm xảy ra.
Chiến lược gia của UBS cho biết 6 trong số 8 dấu hiệu của bong bóng thị trường chứng khoán đã xuất hiện. Ảnh: BI |
Garthwaite nhận định: “Nếu thị trường rơi vào tình trạng bong bóng, chúng tôi tin rằng nó sẽ tương tự như khủng hoảng năm 1997 chứ không phải năm 1999”.
Theo chuyên gia, điều này quan trọng vì bong bóng thị trường chứng khoán khi “vỡ” thường dẫn đến sự sụt giảm mạnh tới 80%, tuy nhiên, hiện thị trường chưa đến mức đó.
Garthwaite lưu ý thêm: “Chúng tôi chỉ tập trung vào luận điểm bong bóng diễn ra như năm 1997 chứ không phải năm 1999”.
Dựa trên phân tích của Garthwaite, đây là 8 dấu hiệu cảnh báo bong bóng thị trường chứng khoán, trong đó 6 dấu hiệu đã bắt đầu xuất hiên.
1. Đà tăng trưởng của thị trường kết thúc
Chuyên gia Garthwaite giải thích: “Trong quá khứ, bong bóng có xu hướng xảy ra khi lợi nhuận từ cổ phiếu cao hơn so với lợi nhuận từ trái phiếu”.
Gần đây một loạt chỉ số chứng khoán đã lập đỉnh. Đây chính là tín hiệu đầu tiên cho thấy thị trường đối mặt với nguy cơ bong bóng.
2. Khi lợi nhuận chịu áp lực
Trong khi lợi nhuận của S&P 500 đang bùng nổ trong năm qua, có một chỉ số khác về lợi nhuận doanh nghiệp mà các nhà đầu tư cần theo dõi.
Lợi nhuận NIPA so với S&P 500 (EPS) trong giai đoạn TMT. Nguồn: UBS |
Chỉ số lợi nhuận NIPA đo lường khả năng sinh lời của tất cả các tập đoàn, bao gồm cả những công ty tư nhân. Khi những con số này khác với lợi nhuận của các công ty đại chúng, nhà đầu tư được khuyên nên chú ý hơn.
Garthwaite bình luận: “Chúng ta có thể thấy điều này nếu nhìn vào thời kỳ bong bóng TMT (công nghệ, truyền thông và viễn thông) khi lợi nhuận của NIPA giảm trong khi lợi nhuận trên thị trường chứng khoán tăng. Điều này cũng đúng ở Nhật Bản vào cuối những năm 1980”.
3. Thị trường thu hẹp
Khi thị trường chứng khoán chỉ tập trung vào một số ít công ty dẫn đầu đà tăng trưởng, đó là dấu hiệu cho thấy quy mô thị trường đang thu hẹp dần.
Với việc các cổ phiếu công nghệ vốn hóa khủng hiện được chú trọng nhiều hơn trong khi cổ phiếu trung bình không mang lại lợi nhuận cao, nguy cơ “bóng bóng vỡ” là điều sẽ xảy ra.
Sự gián đoạn giữa thị trường và đà suy giảm trong giai đoạn bong bóng TMT (trái) và hiện tại (phải). Nguồn: UBS |
Garthwaite chỉ ra: “Chúng ta có thể thấy điều này rõ hơn nếu nhìn vào đường tăng giảm so với S&P 500 trong giai đoạn TMT”.
4. Cần có khoảng cách 25 năm so với bong bóng trước đó
Bong bóng gần nhất mà thế giới chứng kiến là bong bóng công nghệ đầu những năm 2000. Và chúng ta sắp kỷ niệm cột mốc 25 năm kể từ ngày đó.
5. Đột phá công nghệ
Dấu hiệu này xoay quanh sự thống trị hoặc phổ biến của công nghệ. Ví dụ, vào thế kỷ 19 đã xảy ra hiện tượng bong bóng liên quan đến lĩnh vực đường sắt. Ngoài ra, việc sản xuất hàng loạt ô tô, điện khí hóa các thành phố và đài phát thanh trong thế kỷ 20 cũng gây ra hiện tượng bong bóng khác.
Thị trường trong các giai đoạn của những tiến bộ kỹ thuật lớn. Nguồn: UBS |
6. Nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu ồ ạt tham gia thị trường
Khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ tích cực mua vào thị trường chứng khoán, điều này sẽ khiến lợi nhuận rủi ro (risk premium) từ cổ phiếu giảm xuống mức rất thấp, dẫn đến mức định giá cao ngất ngưởng.
Garthwaite lưu ý: “Có một số bằng chứng cho điều này như tỷ lệ tăng/giảm của các nhà đầu tư cá nhân rất cao so với mức chuẩn”.
7. Chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo
Các bong bóng trước đây xảy ra khi lãi suất giảm mạnh. Điều này hiện chưa xảy ra vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa hạ lãi suất.
Nhưng Fed mới chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ được một thời gian rất ngắn so với quãng thời gian rất dài duy trì lãi suất ở mức gần 0, và nguy cơ suy thoái cùng nhiều bất ổn của kinh tế toàn cầu đang gây sức ép buộc Fed cũng như các NHTW khác phải hạ lãi suất.
8. Tình trạng sụt giảm kéo dài
Trong quá khứ, các bong bóng chứng khoán thường trải qua một giai đoạn kéo dài nhiều năm với những đợt bán tháo hạn chế dưới 20%.
Với việc S&P 500 chứng kiến đợt bán tháo mạnh vào năm 2022 và giảm hơn 25% khi ở đáy, Garthwaite cho rằng có thể còn phải mất nhiều thời gian nữa mới đạt được điều kiện này.