Nhà đầu tư Albert Edwards cảnh báo về 'bong bóng dot-com 2.0' vì cổ phiếu công nghệ quá nóng

19-02-2024 15:10|Phương Nhi

Ông cho rằng các cổ phiếu công nghệ hiện đang giống với thời kỳ "bong bóng dot-com" ở một số khía cạnh.

Quá nhiều điểm tương đồng

Albert Edwards, chiến lược gia của Societe Generale, người dự đoán chính xác vụ nổ "bong bóng dot-com" hơn hai thập kỷ trước, cho rằng sự tập trung vào lĩnh vực công nghệ hiện đã vượt quá mức cực đoan được thấy vào thời điểm đó.

Edwards cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng hồi đầu tháng này: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ quay trở lại thời điểm mà giá trị của lĩnh vực công nghệ một lần nữa chiếm tới 1/3 thị trường chứng khoán Mỹ một cách đáng kinh ngạc như vậy”.

“Con số này chỉ kém mức kỷ lục cao nhất mọi thời đại trước đó được ghi nhận vào ngày 17/7/2000, thời kỳ đỉnh cao của bong bóng công nghệ Nasdaq".

Cột mốc quan trọng này đặt ra câu hỏi: Liệu thị trường có "sập" như khi chỉ số S&P 500 mất khoảng 50% giá trị hay lần này sẽ khác?

Nhà đầu tư Albert Edwards cảnh báo về 'bong bóng dot-com 2.0' vì cổ phiếu công nghệ quá nóng
Các chiến lược gia của Societe Generale cho biết trong một lưu ý rằng mức độ tập trung vào cổ phiếu công nghệ cao hơn nhiều so với năm 2000

Ông chỉ ra một số khía cạnh của thị trường hiện tại đã khác nhiều so với thời kỳ dot-com trước đó. Ví dụ như định giá của lĩnh vực công nghệ nhìn chung thấp hơn so với thời điểm đó, mặc dù vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, mặc dù thu nhập của ngành hiện tốt hơn so với phần còn lại của thị trường, nhưng có thể thấy kỳ vọng về thu nhập đã tăng nhanh hơn so với thu nhập thực tế. Đây là sự thay đổi hàng năm của ngành về thu nhập dự phóng trên mỗi cổ phiếu so với EPS bình quân trượt 12 tháng.

“Cho đến nay, các công ty công nghệ của Mỹ không đạt được tốc độ tăng trưởng kịp với kỳ vọng về lợi nhuận đang tăng cao. Sự không phù hợp này gây ra rủi ro đáng kể ", ông cho hay.

Phần lớn lợi nhuận của ngành kể từ năm 2018 cũng đến từ việc tỷ lệ giá trên thu nhập được mở rộng, cho thấy sự tách rời khỏi các nguyên tắc cơ bản.

Edwards cho biết, một điểm tương đồng khác giữa hiện tại và thời đó là mặc dù được định giá cao nhưng các nhà đầu tư cảm thấy cần phải đầu tư vào cổ phiếu công nghệ để không bỏ lỡ cơ hội tăng giá. Đó chính là hiệu ứng FOMO.

Ông bày tỏ: “Tôi nhớ lại năm 2000, thời điểm mà câu chuyện xung quanh bong bóng dot-com lúc đó cực kỳ thuyết phục, giống như hiện tại”. “Nhưng vấn đề mà các nhà đầu tư hoài nghi hiện nay gặp phải, tương tự như năm 1999, là việc bán hoặc đánh giá thấp các công ty công nghệ của Mỹ có thể phá hủy hiệu suất danh mục đầu tư nếu rút lui quá sớm.”

Bong bóng dot-com 2.0?

Nhiều điểm tương đồng giữa bong bóng dot-com và thị trường ngày nay đã được đưa ra bàn luận sôi nổi trong những tuần gần đây.

Chiến lược gia Michael Hartnett của Bank of America cho biết trong một ghi chú gần đây rằng cả chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq và lãi suất trái phiếu đều tăng trong tháng 1, đây là hiện tượng bong bóng kinh tế đang bùng phát.

Trưởng phòng Chiến lược của ClearBridge, Jeffrey Schulze cũng chỉ ra rằng 5 cổ phiếu lớn nhất trên thị trường hiện chiếm khoảng 24% giá trị vốn hóa của chỉ số S&P 500, vượt xa mức cao nhất trong thời kỳ bong bóng dot-com.

Sau đó là nỗi sợ bị bỏ lỡ, điều mà Adam Karr, Chủ tịch của Orbis Investment Management, tin là đang hiện hữu vô cùng rõ nét.

“Các nhà đầu tư có thể trông "thật ngu ngốc" khi không sở hữu những cổ phiếu thắng lợi trong thời gian ngắn—và hiệu ứng 'FOMO' có thể khiến bạn choáng ngợp. Dù vậy, việc trả quá nhiều cho một tài sản có kỳ vọng cao có thể là công thức dẫn đến thảm họa".

Ông nói thêm: “Trong lịch sử, những giai đoạn tương tự đã kết thúc tồi tệ. Các cổ phiếu đắt giá đã mất 40% giá trị sau thời điểm nền kinh tế bong bóng Nhật Bản vào cuối những năm 1980 và 50% giá trị sau vụ nổ bong bóng dot-com".

Tuy nhiên, một số người cho rằng nền tảng cơ bản của các công ty công nghệ dẫn đầu thị trường vững chắc hiện hơn nhiều so với thời kỳ bong bóng dot-com.

“Những gì đã xảy ra vào năm 1999 và sau đó vào năm 2000-2001 phản ánh cách thị trường đang đẩy bất cứ thứ gì liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) lên cao. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất là các công ty có bảng cân đối kế toán vững chắc và mức lợi nhuận hấp dẫn", Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu của LPL Financial, cho biết trong một ghi chú gần đây.

Trong khi Hartnett tin rằng một bong bóng đang phát triển, ông cũng nói rằng mức định giá của nhóm cổ phiếu Magnificent Seven vẫn chưa ở mức tương tự như các bong bóng trước đó. Vào năm 2021, cổ phiếu FAANG đạt đỉnh 60 lần và Nasdaq 100 đạt đỉnh 205 lần vào năm 2000.

Chỉ có thời gian mới biết được liệu cổ phiếu công nghệ có đang ở trong bong bóng sắp vỡ hay không. Dù vậy, nếu nền kinh tế tiếp tục tỏ ra kiên cường trong thời gian tới, lĩnh vực này có thể tiếp tục hoạt động vượt trội. Nhưng nếu bức tranh vĩ mô thay đổi theo hướng xấu đi, Edwards cảnh báo mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn.

>> Nhà kinh tế hàng đầu David Rosenberg: Thị trường chứng khoán Mỹ hiện tại rất giống với thời điểm trước khi ‘bong bóng' dot-com nổ tung

Nhà kinh tế hàng đầu David Rosenberg: Thị trường chứng khoán Mỹ hiện tại rất giống với thời điểm trước khi ‘bong bóng' dot-com nổ tung

Chiến lược gia trưởng của Bank of America: Nvidia hiện có giá trị bằng toàn bộ thị trường chứng khoán Trung Quốc

Chỉ số S&P 500 lần đầu vượt mốc 5.000 điểm, thị trường chứng khoán Mỹ 'cất cánh'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-dau-tu-albert-edwards-canh-bao-ve-bong-bong-dot-com-20-vi-co-phieu-cong-nghe-qua-nong-223402.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhà đầu tư Albert Edwards cảnh báo về 'bong bóng dot-com 2.0' vì cổ phiếu công nghệ quá nóng
POWERED BY ONECMS & INTECH