Đây được xem là giải pháp tổng thể góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp nước ta đã trải qua nhiều cuộc cách mạng, từ canh tác thuần nông đến thực hiện cơ khí hóa, tự động hóa. Giờ đây, nông nghiệp đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đây cũng được xem là giải pháp tổng thể góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững ngành nông nghiệp.
Những dấu ấn đầu tiên
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp và mang lại những kết quả hết sức khả quan. Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy suất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn.
Trong lâm nghiệp là ứng dụng công nghệ DND mã mạch để quản lý giống và lâm sản. Công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng.
Ở lĩnh vực thủy sản là ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường. Bên cạnh đó là công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất... giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản...
Năm 2022 sẽ có đề án Chuyển đổi số
Điều đáng mừng là hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT bước đầu tiếp cận ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các loại nông sản chất lượng cao. Một số doanh nghiệp lớn có thể kể tới trong tiên phong ứng dụng chuyển đối số như: VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco…
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang được quan tâm ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ (cơ khí, chế biến sâu, dây truyền kiểm nghiệm sản phẩm…) chưa đáp ứng yêu cầu chế biến sâu, chế biến tinh.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế. Sở dĩ vậy là bởi lực lượng lao động nông nghiệp chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản vẫn chiếm tỷ lệ lớn…
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, toàn ngành nông nghiệp tập trung thúc đẩymạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng...
Thứ trưởng nhấn mạnh: Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện nay, các cơ quan chuyên môn của Bộ đang tích cực phối hợp với các đối tác, đơn vị chuyên ngành để thí điểm triển khai Chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi, trồng trọt một cách cụ thể, khả thi và thiết thực. Dự kiến trong năm 2022, Bộ sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đây sẽ là cơ sở để toàn ngành triển khai chuyển đổi số, tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã đều tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty sản xuất ống thép
Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam