Ưu tiên sửa Luật Bưu chính để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững

12-01-2024 22:49|Vân Anh

Bộ TT&TT sẽ lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi) trong năm nay. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương yêu cầu Vụ Bưu chính coi nhiệm vụ sửa đổi Luật Bưu chính năm 2010 là ưu tiên số 1 và tập trung nguồn lực thực hiện.

Ngày 12/1, Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên của Vụ.

Thông tin về các số liệu chung của lĩnh vực bưu chính, Vụ trưởng Vụ Bưu chính Lã Hoàng Trung cho biết, năm 2023, doanh thu lĩnh vực bưu chính ước đạt gần 59.000 tỷ đồng; lĩnh vực bưu chính ước tính đóng góp hơn 29.400 tỷ đồng vào GDP; sản lượng bưu chính chuyển phát ước đạt hơn 2.400 triệu bưu gửi.

Đến cuối năm ngoái, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính là 720, số điểm phục vụ bưu chính khoảng 23.700. Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam đã tăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính – 2IPD, từ nhóm 5 lên nhóm 6.

vu buu chinh 1 1 1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương ghi nhận nỗ lực và các kết quả Vụ Bưu chính đạt được trong năm 2023.

Năm vừa qua, nhiều hoạt động về quản lý nhà nước lĩnh vực bưu chính cũng đã được Vụ Bưu chính tập trung thực hiện đạt kết quả nhất định như: Thực hiện báo cáo tổng kết Luật Bưu chính 2010, triển khai Chiến lược phát triển bưu chính; nhận diện các vấn đề của thị trường bưu chính như nhượng quyền, chia sẻ sử dụng chung hạ tầng...; chỉ đạo doanh nghiệp bưu chính hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; sửa đổi, điều chỉnh kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số; đề xuất các giải pháp cạnh tranh lành mạnh thị trường bưu chính...

Trong kế hoạch công tác năm nay, Vụ Bưu chính đã xác định việc xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi) là 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu đặt ra với nhiệm vụ này là nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của lĩnh vực bưu chính và các lĩnh vực khác liên quan như thương mại điện tử, logistics… giúp cho các doanh nghiệp bưu chính và thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cùng với đó, ngày càng cải thiện chất lượng dịch vụ bưu chính, công tác quản lý nhà nước về bưu chính cũng hoàn thiện, chặt chẽ hơn.

W-thi-truong-buu-chinh-1-1.jpg
Theo đề xuất của Vụ Bưu chính, một trong 5 nhóm nội dung chính cần chỉnh sửa, bổ sung trong Luật Bưu chính 2010 là bảo đảm cạnh tranh lành mạnh thị trường bưu chính. (Ảnh minh họa: T.Hường)

Đóng góp ý kiến vào kế hoạch công tác năm 2024 của Vụ Bưu chính, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Trần Như Hiền đề xuất Vụ rà soát, bố trí nguồn lực để tập trung cho các việc lớn như sửa đổi Luật Bưu chính, thực thi Chiến lược phát triển bưu chính, xây dựng Cổng thông tin và dữ liệu bưu chính.

Ở góc độ Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Trần Thị Nhị Thủy nhấn mạnh, thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, Luật Bưu chính năm 2010 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của lĩnh vực. Phân tích cụ thể về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi luật hiện nay, bà Trần Thị Nhị Thủy đề nghị Vụ Bưu chính đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu là hoàn thành các nội dung công việc liên quan đến lập đề nghị, trình xem xét ban hành Luật Bưu chính (sửa đổi) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Điểm ra các nhóm công việc cần triển khai ngay để thực hiện việc xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi), đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh: “Trong điều kiện lực lượng không nhiều, Vụ Bưu chính cần tổ chức công việc chặt chẽ, chia người giao việc. Bản thân lãnh đạo Vụ cũng phải chia việc ra mới đảm bảo được việc thực hiện dự án Luật này”.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Thanh Hà, năm 2024, Vụ Bưu chính cần quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương và đa phương về quản lý nhà nước lĩnh vực bưu chính, lưu ý việc rà soát, đối chiếu để quy định pháp luật về bưu chính của Việt Nam phù hợp với quốc tế, nhất là quá trình sửa đổi Luật Bưu chính 2010.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chỉ đạo Vụ Bưu chính phải xác định việc xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi) là ưu tiên số 1 trong năm nay và phải làm sớm, với thời hạn tháng 2/2024, Vụ phải báo cáo Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng về nhiệm vụ này.

Về cách làm, Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo Vụ Bưu chính chia nhóm để phân công các nội dung công việc phục vụ cho xây dựng Luật. Để phục vụ việc sửa đổi Luật Bưu chính, Vụ cần có kế hoạch đề xuất đoàn ra để học tập kinh nghiệm quốc tế trong quản lý bưu chính. “Trọng tâm nhất là câu chuyện xây dựng Luật, Bưu chính (sửa đổi), Vụ phải phải tập trung và đảm bảo đúng tiến độ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương còn lưu ý Vụ Bưu chính một số việc như: Sớm công bố kết quả đánh giá, xếp hạng chất lượng doanh nghiệp bưu chính năm 2023; phối hợp chặt chẽ cùng Thanh tra Bộ giải quyết dứt điểm câu chuyện giấy phép bưu chính bị sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, Trung tâm thông tin, Vụ Kế hoạch tài chính phối hợp với Vụ Bưu chính để triển khai sớm Cổng thông tin và dữ liệu bưu chính.

Luật Bưu chính được ban hành tháng 6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Quá trình thực thi cho thấy, đến nay, Luật không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của lĩnh vực. Trong kế hoạch của Bộ TT&TT, trong giai đoạn 2024 – 2025, Luật Bưu chính (sửa đổi) là 1 trong 4 dự án luật Bộ sẽ đề xuất, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Trong Nghị quyết 01 ban hành ngày 5/1/2024, lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi) là 1 trong những nhiệm vụ cụ thể Chính phủ giao Bộ TT&TT trong năm nay.

Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị quan chức phụ trách thông tin ASEAN

Quy định mới giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/uu-tien-sua-luat-buu-chinh-de-thuc-day-thi-truong-phat-trien-lanh-manh-ben-vung-2238679.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ưu tiên sửa Luật Bưu chính để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững
    POWERED BY ONECMS & INTECH