'Văn hóa tiền boa' gây tranh cãi tại Hàn Quốc
Yêu cầu khách hàng chi tiền boa tại một số cơ sở kinh doanh địa phương đang gây ra một làn sóng tranh cãi tại Hàn Quốc.
Người dân Hàn Quốc bày tỏ quan điểm rằng họ không sẵn sàng, không tự nguyện và cũng không muốn bị bắt ép phải chi tiền boa khi những “văn hoá ngoại lai” du nhập vào quốc gia này. Thế nhưng, trong những năm gần đây, một số cơ sở kinh doanh địa phương tại xứ sở Kim chi đã tiếp nhận văn hoá này, bắt đầu yêu cầu khách hàng tiền boa.
Một cửa hàng bánh mì nổi tiếng ở Seoul đã trở thành tâm điểm chú ý trong thời gian gần đây, khi một bức ảnh về một lọ tiền boa được bày ngay bên cạnh máy tính tiền của cửa hàng này được lan truyền trên mạng. Hình ảnh ấy đã khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy bức xúc, họ cho rằng với động thái này, các chủ cửa hàng đang chuyển gánh nặng về chi phí hoạt động tăng cao sang cho người tiêu dùng bằng cách cố gắng “bắt ép” họ chi ra các khoản tiền boa. Phần lớn dân số Hàn Quốc nói chung vẫn có thái độ tiêu cực đối với “văn hoá tiền boa”. Cửa hàng bánh mì này được thiết kế và trang trí theo phong cách Anh Quốc, mô phỏng lại một tiệm bánh giữa lòng thủ đô London. Tuy nhiên, điều trớ trêu là “văn hoá tiền boa” không hề tồn tại ở Anh, nó không phải là một quy định bắt buộc, đặc biệt là ở những cửa hàng tự chọn sản phẩm.
Đơn vị điều hành dịch vụ gọi hãng taxi Kakao T, hãng xe lớn nhất Hàn Quốc, đã giới thiệu một hệ thống mới hồi tháng trước, qua đó người dùng có thể chọn chi thêm tiền boa vào giá vé cho tài xế khi thấy dịch vụ đạt yêu cầu. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây của đơn vị Open Survey cho thấy, 71,7% số người được hỏi cho biết họ phản đối chức năng boa thêm tiền cho tài xế trên nền tảng ứng dụng đặt xe, chỉ có 17,2% nói rằng họ chấp nhận phương thức này.
“Giá vé taxi đã quá đắt đỏ rồi. Tôi có cảm giác như việc thêm chức năng chi tiền boa giống như một cách để tăng giá vé “lén lút”. Mức chi này là không tưởng”, một nhân viên văn phòng, 36 tuổi, đang sinh sống ở Seoul cho biết.
Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy 53% số người được hỏi bày tỏ quan điểm rằng giá vé taxi ở Hàn Quốc hiện đang ở mức “cao”, 11,1% nhận thấy giá vé taxi ở Hàn Quốc đang ở mức “rất cao”, và chỉ 24,5% cho rằng mức giá hiện tại là “hợp lý”.
Một số người dân Hàn Quốc cho rằng việc tồn tại lựa chọn đưa tiền boa cũng là một hình thức gây áp lực cho đại bộ phận khách hàng chưa quen với “văn hoá” này.
“Tôi đã ngỡ ngàng vì tôi không nghĩ rằng lại có một lọ tiền boa xuất hiện ở quầy tính tiền. Tôi không muốn nhìn giống một kẻ nghèo mạt, ích kỷ, ki bo nên đã bỏ vài tờ 1.000 won vào trong cái lọ đó”, cô Choi Yu-jin, 37 tuổi, kể lại trải nghiệm của mình tại một quán bar. “Văn hoá tiền boa” ở các nước trên khắp thế giới đều rất khác nhau. Đơn cử như tại Mỹ, việc để lại tối thiểu 18% giá trị hóa đơn dưới dạng tiền boa cho nhân viên không chỉ được coi là một văn hoá mà còn được coi là một khoản chi bắt buộc trong ngành dịch vụ. “Văn hoá” này được hình thành do thu nhập từ tiền boa luôn được tính vào mức lương cơ bản mà một nhân viên sẽ nhận được, và được chấp nhận rộng rãi bởi họ cho rằng tiền boa là một phần của phí dịch vụ.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát mới đây của Bankrate, một công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng ở Mỹ, cho thấy 66% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về tiền boa, đặc biệt, thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi. Họ dần bày tỏ sự bất bình về cái được gọi là “lạm phát tiền boa” trong bối cảnh tình hình kinh tế bất ổn kéo dài.
Thế nhưng, tại Hàn Quốc, từ trước đến nay, việc đưa tiền boa luôn được coi là hành động của những người giàu có, nhằm khoe khoang địa vị xã hội hoặc sự khá giả về tài chính của mình. Dù vậy, chi phí dịch vụ bị đẩy lên cao mới chính là nguyên nhân thật sự, đằng sau mối quan ngại lớn của người dân Hàn Quốc về việc tiếp nhận “văn hóa tiền boa”. Với mức lương tối thiểu đã được ấn định của người lao động Hàn Quốc, chi tiền boa đồng nghĩa với việc nó sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.
Trước những lo ngại đó, mặc dù, các cơ sở kinh doanh tại Hàn Quốc nhấn mạnh rằng chi tiền boa hoàn toàn là sự lựa chọn của khách hàng, song người tiêu dùng vẫn tiếp tục bày tỏ lo ngại rằng nó sẽ trở thành một văn hoá bắt buộc trong tương lai.
Lee Eun-hee, chuyên gia nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng (Đại học Inha), nói thêm rằng công ty nên giảm mức cắt giảm thay vì chuyển chi phí sang người tiêu dùng.
“Với trường hợp của hãng taxi Kakao T, một công ty thống trị trong ngành vận tải cá nhân tại Hàn Quốc, một khi việc boa tiền cho tài xế trở thành thói quen của người dùng, khách hàng sẽ cảm thấy rất có lỗi và miễn cưỡng khi sử dụng dịch vụ nếu như không chi ra khoản tiền này”, Giáo sư Lee Eun-hee, chuyên gia nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng tiêu dùng (Đại học Inha)chỉ rõ. Ông đồng thời nhấn mạnh thêm rằng hãng xe này nên hạn chế mức cắt giảm chi phí, thay vì chuyển những khoản chi đó lên vai người tiêu dùng.
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với Việt Nam
Hàng loạt công ty tại siêu cường top đầu châu Á xin phá sản, chuyện gì đã xảy ra?