Vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh, dự kiến có 'biến động' sau ngày 17-18/9: Chuyên gia nói gì?
Trước thềm cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới, hàng loạt chuyên gia đang đưa ra dự báo trái chiều về triển vọng giá vàng.
Dự đoán giá vàng
Kết phiên giao dịch ngày 13/9, hợp đồng vàng giao ngay giao dịch ở mức cao kỷ lục, tăng 0,9% lên 2.582,05 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tăng 1,2% lên 2.610.30 USD/oz.
13 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia Khảo sát vàng của Kitco News. Theo đó 8 chuyên gia (62%) cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. 3 nhà phân tích khác (23%) thì dự đoán vàng sẽ giao dịch thấp hơn còn 2 nhà đầu tư còn lại (15%) thì đánh giá vàng sẽ đi ngang.
Bên cạnh đó, 107 nhà đầu tư nhỏ lẻ trong số 189 nhà đầu tư Phố Chính (57%) dự đoán giá vàng sẽ tăng vào tuần bắt đầu từ ngày 16/9, trong khi 47 nhà đầu tư (25%) cho rằng kim loại quý này sẽ giảm, 35 người còn lại (18%) có quan điểm trung lập.
Mark Leibovit, nhà xuất bản của VR Metals/Resource Letter dự đoán giá vàng sẽ tăng trong những ngày tiếp theo, nhưng ông dự liệu giá vàng sẽ đạt đỉnh vào khoảng cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngày 17-18/9.
Về dài hạn, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB - ông Heng Koon How nhận định giá vàng hoàn toàn có cơ hội tăng lên 2.700 USD/oz vào giữa năm 2025. Trưởng chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu Bart Melek của TD Securities cũng nói nhờ Fed giảm lãi suất, giá vàng có thể đạt mức 2.700 USD/oz tương tự.
Giám đốc vận hành Allegiance Gold, ông Alex Ebkarian cho rằng: “Thị trường đang hướng đến môi trường lãi suất thấp. Vì vậy, công cụ không trả lãi như vàng càng hấp dẫn hơn”.
Nhiều chuyên gia cũng ngày càng tin vào kịch bản một khi Fed hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9, giá vàng sẽ lên mức kỷ lục mới, thậm chí đạt 3.000 USD/oz ngay giữa năm 2025, ví dụ như Giám đốc Phát triển kinh doanh của sàn vàng American Precious Metals Exchange, ông Patrick Yip.
Lý do giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh
Vàng lập kỷ lục mới nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 17-18/9, lần đầu tiên kể từ năm 2020. Hiện tại, thị trường đặt cược 57% rằng Fed sẽ hạ lãi suất 0,25% và xác suất 43% lãi suất sẽ giảm 0,5%, theo công cụ CME FedWatch.
Adam Button, Giám đốc Chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com cho rằng, trong trường hợp Fed chỉ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, một số đợt bán tháo theo phản xạ có thể xảy ra, nhưng hiện tại không có lý do gì để chống lại xu hướng tăng của giá vàng.
Ngoài ra, trong dài hạn, Fitch Ratings dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 1,25 điểm phần trăm vào năm 2025 và 0,75 điểm phần trăm vào năm 2026. Tổng cộng lãi suất có thể sẽ hạ 2,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 25 tháng tới (10 lần cắt giảm).
Ông Heng Koon How của UOB nhận định: “Vàng không trả lãi suất hoặc cổ tức thường xuyên. Do đó, với lãi suất và lợi nhuận dài hạn lên tới 5% trước đây, chi phí cơ hội khi đầu tư vào vàng là đáng kể. Chi phí cơ hội này dự kiến sẽ giảm khi Fed bắt đầu hạ lãi suất”.
Chưa hết, có nhiều yếu tố đang liên kết có lợi cho những nhà đầu cơ giá lên trên thị trường vàng, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa hạ lãi suất trong tuần này.
Một yếu tố cũng tiếp tục làm tăng sức hấp dẫn của vàng là đồng USD suy yếu hôm 13/9 - xuống mức thấp nhất trong năm so với đồng yên Nhật.
Đáng chú ý, các quỹ ETF giao dịch bằng vàng trên toàn cầu đã chứng kiến dòng tiền đổ vào tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 8, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Lượng nắm giữ của SPDR Gold Trust cũng đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2024 vào ngày 12/9.
Trên phương diện kỹ thuật, Chỉ số sức mạnh tương đối (Relative Strength Index) của giá vàng đang ở mức 69 điểm, nghĩa là giá vàng đang tiến gần tới trạng thái “mua quá nhiều” (overbought). Đây là trạng thái bắt đầu xuất hiện khi chỉ số chạm mốc 70 điểm.
Một yếu tố ít ai chú ý là chỉ số giá sản xuất (PPI). Mới đây, khi Mỹ công bố báo cáo tháng 8 của chỉ số này, nó đã trở thành chất xúc tác chính cho diễn biến giá vàng trong tuần, khi giá tăng vọt từ 2.521 USD/oz lên 2.548 USD/oz chỉ sau 1 giờ.
Một trong những yếu tố quan trọng khác khiến giá vàng liên tục lập đỉnh là lực mua của các Ngân hàng Trung ương (NHTW). Sau cuộc xung đột ở Ukraine và khoảng 300 tỷ USD tài sản nước ngoài của Nga bị đóng băng, các NHTW, đặc biệt là ở những nước nhỏ dễ bị trừng phạt bởi phương Tây đã đẩy mạnh dự trữ vàng.
Thống kê đến cuối năm 2023, dự trữ vàng đạt khoảng 37.000 tấn, chiếm 16,7% tổng dự trữ ngoại hối của các NHTW. Mỹ, Đức, Italy và Pháp nắm giữ dự trữ lớn nhất. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong quý II/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.258 tấn.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của khối Ngân hàng Trung ương đạt tổng cộng 183 tấn trong quý II/2024, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng vàng mua vào trong 6 tháng đầu năm 2024 lên tới 483 tấn, tăng 5% so với mức kỷ lục 460 tấn ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, yếu tố thúc đẩy giá vàng lên không thể không kể đến yếu tố biến động địa chính trị trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông gia tăng. Ngân hàng UBS đánh giá rằng các NHTW có thể muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD và trú ẩn trong thời kỳ biến động chính trị.
Một báo cáo khác của JP Morgan cũng đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng các quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ dường như đang đẩy mạnh tích trữ vàng để đa dạng hóa tài sản, giảm USD và tổn thương từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Vàng cũng luôn là tài sản trú ẩn an toàn. Nhìn lại các biến động lan rộng và chuyển động lên xuống trong ngày của thị trường chứng khoán toàn cầu vào đầu tháng 8 thì giá vàng vẫn tương đối ổn định quanh mức 2.400 USD/oz trước khi tăng mạnh hơn nữa lên mức 2.500 USD/oz và lập đỉnh mới ngày 13/9 - lên 2.582,05 USD/oz.
Tham khảo báo cáo UBS, Reuters, CNBC, CBS News, FT, Kitco News
>> Fed hạ lãi suất vào tháng 9, một loại tài sản có thể bật tăng lên mức kỷ lục mới vào năm 2025
Trung Quốc ngừng mua vàng tháng thứ tư liên tiếp, giá vàng sắp tới sẽ ra sao?
Giá vàng quay đầu giảm mạnh sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát