Vành đai 3 TP. HCM tiếp tục giảm gần 400 tỷ đồng vốn đầu tư

03-03-2022 08:27|

Trong báo cáo khái toán mới đây, vốn đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP. HCM giai đoạn 1 tiếp tục giảm gần 400 tỷ đồng, chỉ còn 75.377 tỷ đồng.

Nội dung vừa được UBND TP. HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan việc bổ sung, giải trình, làm rõ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 - tuyến đường đi qua thành phố và ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Theo kế hoạch, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.

Theo đó, tổng kinh phí xây dựng và thiết bị của dự án sau khi cập nhật ước tính hơn 25.900 tỷ đồng. Phần giải phóng mặt bằng gần 41.600 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng...

Trung ương sẽ hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần thuộc Vành đai 3 đi qua TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Long An dự kiến được hỗ trợ 75% toàn dự án đi qua địa bàn.

Với cơ cấu nguồn vốn như trên, tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí cho dự án khoảng 38.740 tỷ đồng và hơn 36.600 tỷ đồng từ ngân sách các địa phương.

Trước đó, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM đã trình Thủ tướng hồi tháng 2, tổng mức đầu tư đã giảm gần 9.000 tỷ đồng so với mức dự kiến là 84.684 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức đầu tư đường Vành đai 3 giai đoạn 1 trong bản báo cáo mới nhất được khái toán khoảng 75.377 tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ đồng so với kết quả rà soát tại công văn ngày 25/2.

Trên cơ sở cập nhật khái toán tổng mức đầu tư cùng ý kiến của UBND tỉnh Long An, UBND TP. HCM thống nhất điều chỉnh hạng mục cầu Kênh Thầy Thuốc từ Dự án thành phần 7 - xây dựng đoạn qua tỉnh Long An sang Dự án thành phần 1 - xây dựng đoạn qua TP. HCM để giảm áp lực về nguồn vốn cho tỉnh Long An với giá trị xây lắp khoảng 201,11 tỷ đồng.

Liên quan khai thác quỹ đất dọc Vành đai 3 để tạo nguồn vốn, UBND TP. HCM sau khi rà soát sơ bộ cho biết, trên địa bàn có hơn 2.400 ha, trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý. Phần đất nông nghiệp dự kiến có thể đấu giá và thu hồi gần 27.000 tỷ đồng. Thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất còn lại để xác định cụ thể, đảm bảo tính khả thi trong việc tạo nguồn vốn.

Quỹ đất dọc vành đai đoạn qua Đồng Nai qua kiểm tra có khoảng 214 ha, dự kiến được tỉnh đấu giá mang về hơn 4.330 tỷ đồng. Riêng các tỉnh Bình Dương và Long An, quỹ đất dọc Vành đai 3 đang được địa phương rà soát.

Theo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tuyến Vành đai 3 giai đoạn 1 làm 4 làn cao tốc trên chiều dài hơn 76 km, cùng đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng triển khai từ giai đoạn này theo quy mô hoàn chỉnh (8 làn cao tốc cùng đường song hành).

TP. HCM dự tính việc chuẩn bị đầu tư Vành đai 3 thực hiện từ nay đến năm 2023. Giai đoạn 2023 - 2024, dự án hoàn tất giải phóng mặt bằng. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện năm 2026.

Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64 km, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Hiện tuyến đường đã đầu tư được 16,3 km trên địa bàn Bình Dương. Tổng mức đầu tư giai đoạn một Vành đai 3 ước tính hơn 85.400 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trong 2022, hoàn thành năm 2026.

Nút giao phức tạp và lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM hiện ra sao sau nửa năm thi công?

Vượt tiến độ, cây cầu lớn nhất đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ về đích sớm 4 tháng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vanh-dai-3-tp-hcm-tiep-tuc-giam-gan-400-ty-dong-von-dau-tu-117714.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vành đai 3 TP. HCM tiếp tục giảm gần 400 tỷ đồng vốn đầu tư
    POWERED BY ONECMS & INTECH