Vay nợ tài chính 59.200 tỷ, vì sao chi phí lãi vay của Novaland (NVL) chỉ 149 tỷ đồng?
Khoản chi phí lãi vay của Novaland (NVL) quá bé so với số nợ khổng lồ khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi vì sao.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (mã chứng khoán NVL) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với nhiều thông tin đáng chú ý khiến nhà đầu tư không khỏi lo ngại. Một số điểm nổi bật trong báo cáo tài chính đã trở thành câu hỏi lớn trên thị trường.
Những cái tên như Huỳnh Gia Huy, hay nợ vay, hàng tồn kho, tiến độ thực hiện các dự án… đã được nhiều người liên tục nhắc tới từ khi Novaland công bố báo cáo tài chính.
Novaland đang nợ ngắn hạn và dài hạn 59.200 tỷ đồng
Tại Novaland, nợ luôn là vấn đề quan trọng trong nỗ lực tái cấu trúc của công ty trong hơn một năm qua. Tính đến ngày 24/6/2023, tổng nợ vay tài chính ngắn hạn còn 30.498 tỷ đồng, giảm 439 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, nợ dài hạn tăng 1.942 tỷ đồng, lên mức 28.716 tỷ đồng, đưa tổng nợ vay tài chính (ngắn hạn và dài hạn) lên hơn 59.200 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ vay, Novaland còn nợ trái phiếu hơn 38.600 tỷ đồng, bao gồm hơn 16.400 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn và hơn 22.200 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn. Tổng vay nợ ngân hàng là 10.700 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn hơn 6.000 tỷ đồng. Số còn lại là tiền vay bên thứ ba, hơn 10.000 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ vay của Novaland |
>> Hiểu thế nào cho đúng về việc vốn hoá chi phí lãi vay vào hàng tồn kho của Novaland (NVL)?
Chi phí lãi vay thấp đáng ngạc nhiên
Mặc dù nợ vay lớn, chi phí lãi vay của Novaland lại rất thấp. Tổng chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng mạnh 84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí lãi từ các hợp đồng hợp tác đầu tư chiếm 42% tổng chi phí tài chính, tương đương 1.335 tỷ đồng. Các khoản chi phí tài chính lớn khác bao gồm lỗ tỷ giá 834 tỷ đồng (chiếm hơn 26%) và lỗ từ thoái vốn tại công ty con Huỳnh Gia Huy 797 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí lãi vay chỉ ở mức dưới 150 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là rất nhỏ so với tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên đến 59.200 tỷ đồng. Việc Novaland và nhiều công ty con thường xuyên thông báo chậm trả gốc/lãi trái phiếu càng làm cho con số chi phí lãi vay này trở nên bất ngờ. Vậy nguyên nhân là gì?
Chi tiết chi phí tài chính nửa đầu năm 2024 của Novaland |
>> Novaland (NVL) báo lãi 345 tỷ đồng: Góc nhìn từ các chỉ tiêu tài chính
Lộ nguyên nhân chi phí lãi vay Novaland quá thấp
Để tìm câu trả lời, nhà đầu tư cần xem xét phần hàng tồn kho của Novaland. Tổng giá trị hàng tồn kho đến ngày 30/6 đạt 142.186 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm, tương đương với mức tăng 3.090 tỷ đồng.
Novaland hiện đang sử dụng giá trị hàng tồn kho để đảm bảo cho các khoản vay trị giá 57.910 tỷ đồng. Cơ cấu hàng tồn kho của Novaland bao gồm:
- Tồn kho bất động sản đã xây dựng xong, còn hơn 8.380 tỷ đồng, giảm 858 tỷ đồng so với đầu năm.
- Tồn kho bất động sản đang xây dựng, lên tới 133.683 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý trong thuyết minh hàng tồn kho của Novaland là công ty đã vốn hóa 2.992 tỷ đồng chi phí lãi vay vào hàng tồn kho – con số này gần bằng quy mô tăng giá trị hàng tồn kho của Novaland trong kỳ.
Thông tin này cho thấy:
- Giá trị hàng tồn kho thực tế của Novaland trong nửa đầu năm 2024 không tăng, mà chỉ tăng phần chi phí lãi vay vốn hóa vào.
- Khi các dự án bị “ngâm” lâu, chi phí lãi vay vốn hóa vào hàng tồn kho càng lớn, làm giá vốn đội lên nhanh chóng.
Hàng tồn kho của Novaland |
Nhìn lại các năm trước, chi phí lãi vay vốn hóa vào tồn kho lần lượt là: 6.363 tỷ đồng (2023), 6.106 tỷ đồng (2022), và 4.179 tỷ đồng (2021). Những con số vốn hóa chi phí lãi vay này gần tương đương với giá trị hàng tồn kho tăng lên trong những năm gần đây.
Hiện tại, cổ phiếu NVL đang giao dịch quanh vùng đáy, với vốn hóa doanh nghiệp còn 22.231 tỷ đồng.
>> HoSE bất ngờ đưa cổ phiếu NVL (Novaland) vào ‘rổ’ danh mục dự phòng cho VN30
Novaland (NVL): Hơn 800 kỹ sư, công nhân gấp rút hoàn thiện phân khu tại siêu dự án quy mô 1.000ha
Hơn 1.000 căn hộ 2 dự án ‘đắc địa’ của Novaland tại TP. HCM đón tin vui