VEAM (VEA) kinh doanh ra sao trước khi Tổng Giám đốc bị khởi tố?
Kiểm toán nêu loạt ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của VEAM (VEA).
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM – mã chứng khoán VEA) công bố thông tin về biến động nhân sự bắt nguồn từ tin lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt.
Theo đó, ngày 10/6 VEAM nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội về việc một lãnh đạo công ty bị bắt.
Theo đó, ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Cùng với thông báo trên, VEAM ban hành quyết định bãi nhiệm chức vụ đối với ông Phan Phạm Hà.
Ngoài ông Hà, VEAM còn có biến động nhân sự khi miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Mai Hương và cử ông Vũ Phong Hải phụ trách kế toán đến khi có quyết định khác.
Ông Phan Phạm Hà |
>> Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà bị khởi tố và chuyển động nóng tại VEA
VEAM kinh doanh ra sao trước khi Tổng Giám đốc bị khởi tố
VEAM có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó Bộ Công Thương nắm giữ 88,47%, còn lại là các cổ đông khác.
Dù lượng cổ phiếu tự do không lớn nhưng VEA được các nhà đầu tư rất quan tâm, thanh khoản lớn. Tính chung bình quân 10 phiên giao dịch gần đây nhất, mỗi phiên khoảng 3,5 triệu cổ phiếu giao dịch. Từ đầu năm 2024 đến nay VEA tăng 34% lên mức 46.200 đồng/cổ phiếu, vốn hoá doanh nghiệp khoảng 61.200 tỷ đồng.
Cổ phiếu VEA được săn đón, một phần lớn nhờ VEAM sở hữu những “con gà đẻ trứng vàng”, mang về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu tài chính mỗi năm cho doanh nghiệp.
Những khoản đầu tư sinh lãi lớn của VEAM chủ yếu đến từ Ford Việt Nam, Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam. Trong đó chỉ tính riêng giá trị thuần theo phương pháp vốn chủ sở hữu, khoản đầu tư 359 tỷ đồng vào Honda Việt Nam đã “phình” to gấp 12 lần, lên 4.280 tỷ đồng. Các khoản đầu tư vào Ford và Toyota đều tăng gấp đôi về giá trị.
>> VEAM (VEA) trả mức cổ tức bất ngờ, Bộ Công Thương chuẩn bị nhận về 4.900 tỷ đồng
Tuy vậy khoản cổ tức được nhận từ các liên doanh liên kết mới là số lãi “khủng” ghi nhận hàng năm của VEAM. Năm 2023 vừa qua riêng Honda mang về cho VEAM hơn 2.900 tỷ đồng cổ tức (năm 2022 gần 2.200 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh, hàng năm VEAM đều báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2022 lãi lớn nhất đạt 7.665 tỷ đồng. Năm 2023 vừa qua lợi nhuận sau thuế vẫn đạt mức 6.265 tỷ đồng. Còn riêng quý I/2024, lãi sau thuế đạt 1.435 tỷ đồng.
Kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ
Lãi lớn, nhưng BCTC kiểm toán năm 2023 của VEAM bị Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ.
- Tổng công ty chưa đánh giá khả năng phục hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 44 tỷ đồng. Kiểm toán viên cho biết không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản trên. Đây cũng là nguyên nhân khiến kiểm toán không xác định được có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay không.
- Tại ngày 31/12/2023, công ty trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 739 triệu đồng trong khi giá trị hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển là hơn 123,8 tỷ đồng. Kiểm toán viên không đáng giá được giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho chậm luân chuyển một cách hợp lý.
- Các khoản chi phí treo chờ xử lý gần 457 tỷ đồng đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Kiểm toán không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá về khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai đến các khoản chi phí đang treo.
Ngoài các ý kiến ngoại trừ, còn có vấn đề nhấn mạnh liên quan phấn thuyết minh về dự án di dời và xay mới nhà máy sản xuất máy kéo nhỏ được phê duyệt….
Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà bị khởi tố và chuyển động nóng tại VEA
Cổ phiếu lập đỉnh lịch sử, VEAM (VEA) dự chi 6.600 tỷ đồng trả cổ tức