Vị Đại tướng kinh qua 3 cuộc chiến tranh lớn của dân tộc Việt Nam, được đánh giá là nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới

21-03-2024 18:04|Quỳnh Như

Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, vị tướng này đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.

Vị tướng tài ba có tầm nhìn chiến lược

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 trong một gia đình nông dân tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và dân tộc, ông đã sớm có tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm cứu nước, cứu dân, từ đó đã thôi thúc ông tích cực tham gia hoạt động yêu nước khi mới 17 tuổi. Năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Lê Đức Anh thăm xưởng sửa chữa máy bay của Sư đoàn Không quân 372, ngày 9/1/1996. Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Ông Lê Đức Anh thăm xưởng sửa chữa máy bay của Sư đoàn Không quân 372, ngày 9/1/1996. Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Tiểu sử của ông được Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam khái quát, ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 8/1945. Trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948-1950, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Từ năm 1951-1954, ông giữ chức vụ Tham mưu phó, quyền Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 5/1955, ông được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1963-1964).

Trong giai đoạn từ năm 1964-1975, trên cương vị là Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh miền Nam, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Khu 9, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, ông đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, góp phần cùng quân và dân ta giành nhiều thắng lợi có tính chiến lược, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1974, ông là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Tư lệnh Quân khu 9 thăm động viên các chiến sĩ của Tiểu đoàn tăng - thiết giáp, Quân khu 9 tháng 5/1976. Ảnh: Tư liệu

Tư lệnh Quân khu 9 thăm động viên các chiến sĩ của Tiểu đoàn tăng - thiết giáp, Quân khu 9 tháng 5/1976. Ảnh: Tư liệu

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với nhiều chiến trường từ Bắc vào Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong cuộc chiến đấu Bảo vệ biên giới Tây Nam, ông là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Từng có thời gian giúp việc, phục vụ bên Đại tướng Lê Đức Anh, PGS.TS sử học, Đại tá Hồ Sơn Đài có những cảm nhận đặc biệt về Đại tướng, một người có tư duy sắc sảo, biện chứng, có hệ thống, đặc biệt mẫn cảm về chính trị và quân sự, do đó ông luôn có cách nhìn rất chiến lược về mọi diễn biến của thời cuộc. Xuyên qua 3 cuộc chiến lớn của dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh cho thấy ông là một người có tư duy sắc sảo, khả năng nhận biết và đánh giá thực tiễn chính xác, thường đưa ra được những quyết định đúng, kịp thời. Những quyết định của ông tác động đến tiến trình, diễn biến của đất nước theo hướng tích cực và nhiều khi làm thay đổi cục diện của cách mạng trong nhiều thời kỳ lịch sử.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng, như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (năm 1981); Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1986); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (năm 1987-1991). Ông được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984.

Đại tướng Lê Đức Anh ra thăm Trường Sa (tháng 5/1988). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Đại tướng Lê Đức Anh ra thăm Trường Sa (tháng 5/1988). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Tháng 9/1992, ông được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước và giữ chức danh này đến năm 1997. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Đại tướng Lê Đức Anh qua đời vào ngày 22/4/2019 tại nhà công vụ trên phố Hoàng Diệu, TP. Hà Nội. Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Lê Đức Anh là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Ông luôn phấn đấu, học tập không ngừng, nâng cao tri thức về mọi mặt; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sỹ và trước cấp trên; luôn có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong cuộc sống, ông sống trung thực, giản dị, tiết kiệm, gần gũi, thủy chung với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào. Ông là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ngày 29/7/2013. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ngày 29/7/2013. Ảnh: TTXVN

Trong lời kết của cuốn Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, ông đã viết: “Từ thực tiễn hơn 70 năm hoạt động cách mạng của mình, tôi rút ra được đôi điều tâm huyết là phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, quá trình rèn luyện cần hội tụ đủ ba yếu tố.

Thứ nhất là, luôn học tập không ngừng, nâng cao tri thức mọi mặt, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai là, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sỹ và trước cấp trên. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, lập trường cách mạng, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, năng động, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của cấp trên.

Thứ ba là, luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sỹ cộng sản, có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc; luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc, hết lòng thương yêu gắn bó với nhân dân, gắn bó với Tổ quốc thì dù khó khăn, gian khổ ác liệt và nguy hiểm đến mấy chúng ta cũng vượt qua được”.

Đánh giá về ông, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: "Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh."

Tham khảo:

- Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam - Cổng TTĐT Bộ Quốc Phòng (3/5/2019).

- Đại tướng Lê Đức Anh - Trọn cuộc đời dành cho dân tộc - Báo QĐND (18/8/2021).

- Đại tướng Lê Đức Anh - nhà quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam - Tạp chí Cộng sản (30/11/2020).

- Đại tướng Lê Đức Anh để lại những di sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (1/12/2020).

- Đồng chí Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc - TTXVN (23/4/2019).

>> Vị tướng tình báo bí ẩn của Quân đội nhân dân Việt Nam, sở hữu điệp vụ siêu hạng ngay trong sào huyệt cơ quan tình báo của địch

Vị tướng tài mở cõi là người khai sinh đất Sài Gòn, được liệt vào hàng 'Khai quốc công thần' và thờ tại Thái miếu nhà Nguyễn

Lăng mộ rộng hơn 1.000m2 của vị tướng 'khai quốc công thần' triều Nguyễn, đã nguyên vẹn qua 200 năm

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-dai-tuong-kinh-qua-3-cuoc-chien-tranh-lon-cua-dan-toc-viet-nam-duoc-danh-gia-la-nha-lanh-dao-quoc-gia-tam-co-trong-thoi-ky-doi-moi-d118600.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị Đại tướng kinh qua 3 cuộc chiến tranh lớn của dân tộc Việt Nam, được đánh giá là nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH