Vì đâu hai chuỗi F&B nổi tiếng 'Tiệm Trà Tháng Tư và 'Monkey in Black' phải đóng cửa?
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp F&B "hot hit" đã thông báo đóng cửa sau nhiều năm hoạt động, trong đó có "Tiệm Trà Tháng Tư" và "Monkey in Black".
Chuỗi cửa hàng nổi tiếng "Tiệm Trà Tháng Tư", một điểm đến quen thuộc của giới trẻ TP. HCM, vừa thông báo sẽ đóng cửa chi nhánh cuối cùng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, sau ngày 25/12/2024. Thông tin này đã để lại nhiều tiếc nuối cho khách hàng yêu mến không gian trà và các concept chụp hình độc đáo của tiệm.
Trong thông báo chính thức, "Tiệm Trà Tháng Tư" chia sẻ: “Chúng em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý khách hàng đã yêu thương và đồng hành suốt thời gian qua. Nếu trong quá trình phục vụ có bất kỳ thiếu sót nào, mong quý khách thông cảm. Hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại trong những hành trình tiếp theo".
Trước đó, chuỗi đã lần lượt đóng cửa hai chi nhánh tại quận Phú Nhuận và Quận 10 vào các tháng 6 và 7 năm nay. Tuy nhiên, tiệm không công bố lý do cụ thể cho việc ngừng hoạt động.
Không chỉ riêng "Tiệm Trà Tháng Tư", chuỗi "Monkey in Black" (MiB) của Tùng BT, một thương hiệu nổi tiếng khác trong ngành F&B, cũng đã thông báo dừng hoạt động sau 10 năm.
Tiệm Trà Tháng Tư đóng cửa nhiều chi nhánh tại TP. HCM |
Ngày 19/11, Tùng BT đăng tải video chia sẻ về quyết định chia tay MiB, đồng thời cho biết quán đã được sang nhượng với giá 100 triệu đồng. Lý do đóng cửa được anh đưa ra bao gồm việc không tìm được đội ngũ đồng hành phù hợp, mặt bằng không đáp ứng yêu cầu và mô hình kinh doanh không còn phù hợp với hệ sinh thái mới.
Theo báo cáo nửa đầu năm 2024 của iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho doanh nghiệp F&B, toàn quốc hiện có khoảng 304.700 cửa hàng ăn uống, giảm 3,9% so với cuối năm 2023. Trong đó, ít nhất 30.000 cửa hàng đã phải đóng cửa, trong khi số lượng cửa hàng mới mở ra rất hạn chế.
Tổng Giám đốc iPOS, ông Vũ Thanh Hùng nhận định, sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành và tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều thương hiệu phải dừng hoạt động, bất chấp sự phục hồi sau đại dịch.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director cho rằng, đây là giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc và phát triển. Dữ liệu từ FnB Director chỉ ra rằng nhiều cửa hàng phải đóng cửa do thiếu kế hoạch kinh doanh và năng lực vận hành, khiến 52% trong số đó chỉ hoạt động dưới một năm. Các cửa hàng từ 2-3 năm tuổi gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và duy trì khách hàng, trong khi một số khác không thể gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng hoặc phải đối mặt với mô hình kinh doanh lỗi thời.
Dù gặp nhiều thách thức, ngành F&B vẫn ghi nhận tổng doanh thu 403.900 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 68,5% doanh thu toàn ngành. Kết quả này nhờ vào các chương trình khuyến mãi và sự tăng trưởng tiêu dùng bất ngờ trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều này cho thấy ngành F&B vẫn còn tiềm năng phát triển lớn dù phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ.
>> Việt Nam đón nhà máy chế biến thịt bò mát đầu tiên, đặt tại tỉnh 'bé hạt tiêu' sát Hà Nội
Thương hiệu thời trang của TikToker hơn 2 triệu người theo dõi thông báo dừng hoạt động
Katinat liên tiếp vướng lùm xùm, tận dụng xu hướng làm truyền thông hay tự tạo khủng hoảng?