Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa, là người được nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là 'ông thầy của các thầy tôi'

05-04-2024 12:01|Quỳnh Như

Ông là một nhà cách mạng, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước đến hơi thở cuối cùng.

Ông Trần Văn Giàu (1911-2010) là nhà hoạt động cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ông còn là Giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và nhà giáo Nhân dân Việt Nam.

Hai lần xuất ngoại du học

Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trường trung học Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, ông Trần Văn Giàu sang Pháp du học tại Đại học Toulouse với quyết tâm sẽ đậu hai bằng Tiến sĩ rồi về nước viết báo và mở văn phòng luật sư.

Tại Toulouse, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và bắt đầu bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Cũng tại đây, ông được đọc cuốn sách "Bản án chế độ thực dân Pháp" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu "làm chính trị" khi tròn 18 tuổi.

Khi khởi nghĩa Yên Bái (1930) thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp trong biển máu, người Đảng viên cộng sản Trần Văn Giàu được cử thay mặt học sinh, thanh niên và những người lao động ở Toulouse lên Paris tham gia biểu tình phản đối và bị Pháp bắt giam. Sau đó, ông cùng 18 người bạn của mình bị trục xuất về nước (tháng 6/1930). Cuối năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ông Trần Văn Giàu lúc tham gia biểu tình tại Paris (1930) và bị Pháp trục xuất về nước. Ảnh: Báo CAND

Ông Trần Văn Giàu lúc tham gia biểu tình tại Paris (1930) và bị Pháp trục xuất về nước. Ảnh: Báo CAND

Năm 1931, ông Giàu ngỏ ý với Xứ ủy Nam Kỳ cho mình được sang Nga du học. Được sự đồng ý của tổ chức, ông bí mật xuất dương. Tại Nga, ông Giàu theo học trường Đại học Phương Đông và tốt nghiệp xuất sắc với luận án Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương.

Một nhà giáo lừng danh

Đầu năm 1933, ông Giàu bí mật trở về Sài Gòn trên chiếc tàu Félix Roussel. Với một người tầm thường khác, có thể chọn lấy một công việc bình yên để êm ấm dưới mái gia đình, nhưng ông Giàu lại không. Ông bắt liên lạc với Xứ ủy Nam kỳ qua ông Trương Văn Bang, chồng của bà Nguyễn Thị Một để tiếp tục dấn thân.

Cuối năm đó, ông Giàu bị bắt tại Bà Hom (Bình Trị Đông) và đày đi Côn Đảo. Mãi đến tháng 5/1940, mãn hạn tù, ông Giàu mới được về đất liền. Lúc ấy, ông nghĩ rằng, sẽ tranh thủ thời gian về Long An thăm vợ, nhưng không, chỉ 9 ngày sau ông lại bị bắt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu

Lần này, chúng giam ông tại Tà Lài. Song sắt nhà tù dù có kiên cố đến đâu cũng không thể giam cầm được khí phách của một người cộng sản chân chính. Ông Giàu cùng đồng chí cốt tử của mình là Tô Ký, Dương Quang Đông... tổ chức vượt ngục.

Về đến Sài Gòn trong thời điểm tình hình chính trị đang có nhiều biến động dữ dội, tháng 10/1943, ông Giàu được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Khi Nhật lật Pháp, để thu hút các lực lượng chính trị, chúng hà hơi tiếp sức cho ra đời các tổ chức thân Nhật và kêu gọi mọi người cùng hợp tác với chúng.

Nhận được tin này, ông Giàu cùng Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương “tương kế tựu kế”: giao Phạm Ngọc Thạch cùng trí thức và sinh viên yêu nước đứng ra tổ chức thanh niên một cách công khai, hợp pháp nhằm thu hút đông đảo lực lượng quần chúng đứng về phía cách mạng...

Ngày 2/9/1945, nhân dân cả nước tề tựu lắng nghe Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát ra từ Hà Nội. Lúc ấy, tại Sài Gòn đã đúng giờ nhưng không ai nghe được (về sau mới biết là đài Hà Nội bị phá, không phát sóng được). Ngay lập tức, anh em Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh đã cử ông Giàu - với cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ - bước lên lễ đài tuyên bố độc lập.

Bản “tuyên ngôn” ứng khẩu của ông đã được các nhà báo tốc ký và ngày hôm sau đăng trên báo chí Sài Gòn. Sự kiện này đã được nhà báo kỳ cựu Trần Tấn Quốc ghi rõ trong tập sách Saigon septembre 45 và Hội thảo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sau này cũng đã xác nhận.

Năm 1949, ông ra chiến khu Việt Bắc giữ chức vụ Tổng Giám đốc Nha thông tin. Hai năm sau, năm 1951, ông được cử vào vùng tự do Thanh Hoá xây dựng trường Dự bị Đại học. Ông Trần Văn Giàu đã cùng với các trí thức lớn như Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy... đào tạo được một thế hệ học sinh dự bị đại học mà sau này hầu hết đều đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo dục...

Năm 1954, ông là Bí thư Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm, kiêm giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông là Bí thư Đảng uỷ của trường kiêm chủ nhiệm sáng lập khoa Lịch sử.

Ông là một trong những bậc thầy khai sáng của 2 ngành lịch sử và triết học Việt Nam hiện đại

Ông là một trong những bậc thầy khai sáng của 2 ngành lịch sử và triết học Việt Nam hiện đại

Cùng với các Giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, ông đã góp phần lớn công sức và trí tuệ của mình để đào tạo những thế hệ các nhà sử học mác-xít đầu tiên cho đất nước. Trong số đó có những người giờ đây đã trở thành những tên tuổi lớn của sử học Việt Nam như các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng... Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc thì Giáo sư Trần Văn Giàu là “ông thầy của các thầy tôi”.

Khi đã bước vào tuổi 90, Giáo sư Trần Văn Giàu quyết định bán căn nhà của mình và hiến tặng số tiền trị giá 1.000 cây vàng (thời giá năm 2001) cho Hội khoa học Lịch sử Việt Nam dùng làm quỹ giải thưởng cho những công trình sử học nghiên cứu về Nam Bộ: Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có một giải thưởng mang tên một người khi người đó còn sống.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Giáo sư Trần Văn Giàu đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Tham khảo"

- Sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của chí sĩ họ Trần - Báo Pháp Luật (20/04/2017)

- Giáo sư Trần Văn Giàu- Huyền thoại một con người - Tạp chí Xây dựng Đảng (24/12/2010)

>> Vị Tổng biên tập U100 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là 'Trưởng lão làng báo', 'tay không bắt giặc' khiến nhiều người nể phục

Trở thành giáo sư tuổi 27, nhà Toán học về nước cống hiến sau 50 năm ở Mỹ

Vị bác sĩ sử dụng ngô, sắn để sản xuất ra ‘nước lọc Penicillin’ cho bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, là một trong 45 vị Giáo sư đầu tiên của Việt Nam được Bác Hồ ký quyết định phong tặng

Tiến sĩ bỏ lương 30 tỷ/năm tại Anh, về nước cống hiến thành giáo sư ở tuổi 25

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-giao-su-ban-nha-lay-1000-luong-vang-de-lam-viec-nghia-la-nguoi-duoc-nha-su-hoc-duong-trung-quoc-goi-la-ong-thay-cua-cac-thay-toi-d119660.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa, là người được nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là 'ông thầy của các thầy tôi'
POWERED BY ONECMS & INTECH