Vị giáo sư Toán học duy nhất Việt Nam là tướng tình báo lẫy lừng: Về hưu thân phận thật sự được tiết lộ khiến nhiều người sửng sốt
Có 3 bằng kỹ sư, 2 bằng tiến sĩ nhưng nhà khoa học tài ba này lại là một sĩ quan tình báo. Có thể nói, ông là trường hợp độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Trong lịch sử trăm năm giành lại nền độc lập và thống nhất đất nước, nhiều nhà khoa học thành đạt đã gác bỏ sự nghiệp, vinh hoa ở xứ người về nước dấn thân vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc. Nhà khoa học, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc cũng là một trường hợp như vậy.
Ở Đại học Khoa học Sài Gòn, từ năm 1966 có một giáo sư toán học tên là Nguyễn Đình Ngọc, ông nổi tiếng cả về chuyên môn và cách sống. Về chuyên môn, ông là người có tài và đa năng, từng 10 năm tu nghiệp bên Pháp, sở hữu 3 bằng kỹ sư và 2 bằng tiến sĩ, trong đó có bằng tiến sĩ quốc gia (tương đương tiến sĩ khoa học hiện nay) về toán học. Ông từng là thành viên của Viện Khoa học cao cấp Pháp INET, là bạn với nhà toán học nổi tiếng thế giới A.Grothendeck - người đoạt giải Fields (được gọi là Nobel Toán học) năm 1966.
Ông sống một mình, vợ con đều ở lại Pháp nhưng đó là cách sống rất khác người, nên họ còn gọi ông là “giáo sư lập dị”. Có thể kể ra những “lập dị” của ông như ngày ăn có một bữa, cửa buồng khóa những 7 khóa, đi lại toàn cuốc bộ hoặc bằng xe đạp, ăn mặc thì xuềnh xoàng, không rượu, bia, thuốc lá, nhà không có thứ đồ đạc gì đáng giá, toàn sách. Đôi khi ông cũng có những thể hiện ra bên ngoài khác thường, đó cũng có thể hiểu là bản lĩnh cao cường của người điệp viên trong việc tạo ra một “vỏ bọc” vững chắc.
Đầu tháng 9/1969, tin Bác Hồ qua đời loan khắp thế giới, hôm đó vào đầu giờ họp của Ban Toán, bỗng ông đứng lên với vẻ mặt nghiêm nghị, nói: “Một vĩ nhân vừa qua đời, đề nghị Ban ta đứng lên, một phút mặc niệm!” Mọi người trong Ban có chút ngỡ ngàng, rất ít khi “giáo sư lập dị” phát biểu, vậy mà... Nhưng rồi mọi người đều đứng dậy mặc niệm theo yêu cầu của ông. Sự việc loang nhanh toàn trường. Giáo sư Ngọc tỏ rõ sự ngưỡng vọng Cụ Hồ, rồi sự việc cũng dần rơi vào quên lãng bởi mọi người đều có chung ý nghĩ, ở một xã hội dân chủ, tự do về tư tưởng thì “giáo sư lập dị” có thể tỏ thái độ khuynh tả của mình.
Vì tính chất tuyệt mật của công tác tình báo nên chi tiết quá trình hoạt động của ông Ngọc ra sao khó có thể công khai tường tận. Chỉ biết rằng cấp dưới của ông thường kể cho nhau nghe rằng ông Ngọc được giới chính trị cấp cao chính quyền Sài Gòn hay nhờ xem hậu vận bởi ông có tài xem chiêm tinh. Cũng từ đây mà vị giáo sư càng có thêm sự tin tưởng của đối phương, lấy được các tin tình báo chuyển về cho quân ta.
Đến giai đoạn cuối chiến tranh, ông từng bị CIA và đặc vụ Sài Gòn nghi ngờ, bám theo lần manh mối. Thế nhưng, chúng chỉ thấy vị giáo sư đi dạy liên miên, tập trung nghiên cứu, thỉnh thoảng đi gặp họ hàng, bạn học cũ mà toàn là người trong giới thượng lưu Sài thành như Phó đề đốc hải quân Nghiên Văn Phú, cựu Thủ tướng Phan Huy Quát, Thủ lĩnh Đảng Đại Việt Đặng Văn Sung, Tham mưu trưởng biệt khu thủ đô, Đại tá Phan Huy Lương…
Sau khi Việt Nam thống nhất, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc vẫn làm công chức thêm vài năm rồi mới nghỉ hưu. Ngày ông xuất hiện trong bộ quân phục sĩ quan an ninh, mang hàm Trung tá, ai nấy đều bất ngờ, sửng sốt về thân phận thật sự của ông.
Cuối những năm 1980, ông Nguyễn Đình Ngọc chuyển ra Hà Nội, công tác ở bộ phận nghiên cứu kỹ thuật của Bộ Nội vụ (sau là Bộ Công an). Cuối thập kỷ 90, ông Ngọc được phong hàm Thiếu tướng, là Cục trưởng Cục Viễn thông tin học, Bộ Công an. Có thời điểm nhà tình báo này làm Phó ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Nhà nước.
Thế rồi, mãi khi ông đã nghỉ hưu (2002), nhiều người mới biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khoa học chỉ là vỏ bọc, ông là một “Việt Cộng nằm vùng”. Đôi khi ông có tiết lộ đôi điều với bạn bè về đời tư, như việc người cha của ông - bác sĩ Nguyễn Đình Diệp đầu năm 1947 bị giặc Pháp giết trong một trận càn và sau đó vì nợ nước thù nhà ông gia nhập Công an Liên khu 4. Lần từ Khu 4 về nội thành hoạt động ông suýt bị lộ, bị Phòng Nhì Pháp bắt...
Chuyện ông “tiết lộ” đại loại chỉ có vậy, hé mở việc ông từng là một điệp viên của ngành công an. Nhiều nhà văn, nhà báo đã sốt sắng tìm ông khai thác nhưng đều thất bại, “giáo sư lập dị” chỉ thích nói về toán học, tin học mà chẳng kể chút gì về việc làm tình báo của mình.
GS.TSKH. Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc (ở giữa mặc trang phục Công an nhân dân). |
Tháng 5/2006 ông bị bệnh hiểm nghèo từ trần, hưởng thọ 74 tuổi. Đến lúc đó một người bạn thân thiết của ông, đồng thời là người trực tiếp chỉ huy ông trong gần 10 năm hoạt động đơn tuyến là Trung tướng Nguyễn Phước Tân, tức Hai Tân, Tổng cục phó Tổng cục An ninh, Bộ Công an trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Công an nhân dân, đã kể lại cụ thể những chiến công của ông Ngọc.
Theo Sự kiện và Nhân chứng, năm 1970, điệp viên Nguyễn Đình Ngọc đã báo trước 72 giờ cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tránh được cuộc tập kích của Mỹ, ngụy vào căn cứ của mặt trận ở “vùng lõm” trên đất Campuchia; báo trước việc Lon Nol sẽ lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk, lên làm thủ tướng, sẽ phong tỏa cảng Sihanoukville và đánh úp vào căn cứ của ta; báo trước 24 giờ cho Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân Mỹ sẽ không quay lại cứu quân ngụy khi ta tổng tiến công giải phóng Sài Gòn...
Lập cú đúp, Giáo sư nhận giải thưởng 3 triệu USD từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói gì?
Phó Giáo sư quê Quảng Nam sở hữu khối tài sản 13.400 tỷ đồng, điều hành 'đế chế' hơn 32.000 nhân sự