Vĩ mô nhiều tích cực, vì sao VN-Index chưa thể vượt mốc 1.300?
GDP Việt Nam tăng 7,4% trong quý III/2024 giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu tăng trưởng 7% cho cả năm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể vượt mốc 1.300 điểm khi nhà đầu tư thận trọng trước các yếu tố vĩ mô và biến động địa chính trị bên ngoài.
Vĩ mô nhiều tích cực
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo cho thấy GDP quý III/2024 của Việt Nam tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,7% so với kế hoạch. Mức tăng trưởng này giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,82%, với các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,2%, 8,19% và 6,95%.
Tăng trưởng GDP 9 tháng của Việt Nam từ năm 2011 tới nay (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Về xuất nhập khẩu, với nền kinh tế có độ mở cao, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 578,47 tỷ USD trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD và nhập khẩu đạt 278,84 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 20,8 tỷ USD.
Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024. Tại phiên họp, trên cơ sở kết quả đã đạt được, dự báo cho cả năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV/2024 khoảng 7,6-8% giúp tăng trưởng cả năm đạt/vượt 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, chỉ số PMI tháng 9/2024 chỉ đạt 47,3 điểm, thấp hơn kỳ vọng, cho thấy ngành sản xuất đang gặp khó khăn.
>> Infographic tình hình kinh tế – xã hội tháng Chín và 9 tháng đầu năm 2024
Kinh tế Mỹ đang có nhiều tín hiệu tích cực sau khi Fed cắt giảm lãi suất 0,5% lần đầu kể từ năm 2020. Trong tháng 9, Mỹ đã tạo ra 254.000 việc làm, vượt xa dự báo 140.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,2% xuống 4,1%. Đồng thời, lạm phát cũng giảm, làm giảm khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm. Tại Trung Quốc, chính phủ đã triển khai gói kích thích kinh tế lớn nhất sau đại dịch với 142 tỷ USD, giảm lãi suất chủ chốt và cung cấp vốn hỗ trợ tái cấp vốn thế chấp.
Thị trường chứng khoán vẫn "mắc kẹt"
Mặc dù nền kinh tế ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc vượt qua ngưỡng 1.300 điểm. Trong 30 tháng qua, VN-Index đã 7 lần chạm hoặc áp sát mốc này nhưng đều không thể duy trì đà tăng. Kể từ đầu năm 2024, thị trường đã nhiều lần giảm mạnh khi tiệm cận ngưỡng kháng cự này, trong đó từng có nhịp giảm 30% trong năm 2022.
Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Minh Giang, tình hình này một phần do khối ngoại bán ròng mạnh trong 6 quý liên tiếp. Thanh khoản trên thị trường nội địa cũng giảm, và nhà đầu tư thận trọng trong giao dịch.
Mùa báo cáo tài chính quý III/2024 đang đến gần với nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư "đãi cát tìm vàng". Dự báo cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ ghi nhận kết quả khả quan, trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể đối mặt với khó khăn.
Thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị và chính sách tiền tệ của Mỹ. Căng thẳng tại Trung Đông và khả năng "hạ cánh cứng" hay "hạ cánh mềm" trong chính sách tiền tệ của Fed là những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Diễn biến chỉ số VN-Index 3 năm gần nhất |
Khi nào VN-Index vượt 1.300 điểm?
Ông Nguyễn Minh Giang dự báo, tháng 10 sẽ là giai đoạn quan trọng để thị trường xác định xu hướng. Thay vì chỉ tập trung vào kỳ vọng VN-Index vượt 1.300 điểm, nhà đầu tư nên chú trọng lựa chọn cổ phiếu tốt. Trong hai tháng cuối năm, nhóm cổ phiếu tài chính được kỳ vọng có thể dẫn dắt thị trường, giúp chỉ số vượt mốc 1.300 và chinh phục các mức cao hơn như 1.320 và 1.360 điểm.
>> VN-Index và cao điểm 1.300: 7 lần 'ăn đòn' sau 3 năm cố 'vượt biên'
VN-Index đi tàu lượn cuối phiên, một cổ phiếu ngân hàng tiệm cận vùng đỉnh lịch sử
Quỹ mở 'bứt phá' bỏ xa VN-Index, tâm điểm hai đơn vị dẫn đầu tăng trưởng trên 30%