Vì sao Ấn Độ, Nga và UAE lần lượt cấm xuất khẩu gạo?
Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Nga và UAE cũng đưa ra các tuyên bố tương tự.
Ngày 29/7, cơ quan chức năng Nga thông báo ngừng xuất khẩu gạo đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường nội địa. Lệnh cấm không áp dụng với các nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu, Abkhazia và Nam Ossetia.
Trước đó một ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng thông báo dừng xuất khẩu gạo trong vòng bốn tháng, hiệu lực ngay lập tức. Lệnh cấm có thể tự động gia hạn trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này.
Các động thái này xảy ra khi trước đó một tuần, Bloomberg đưa tin thị trường gạo quốc tế nhiều khả năng chao đảo khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu) thông báo cấm xuất khẩu gạo không phải loại Basmati (loại gạo phổ biến ở Nam Á).
Vì sao các nước cấm xuất khẩu gạo?
Bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường như mưa lũ và hạn hán, cùng với chiến sự Nga - Ukraine làm dấy lên lo ngại thiếu hụt sản lượng, cũng như đẩy giá gạo và nhiều loại ngũ cốc khác tăng vọt.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng lên 515-525 USD một tấn tháng này - cao nhất kể từ năm 2011, theo Reuters.
Trong khi đó, giá gạo bán lẻ tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã tăng 15% trong năm nay. Giá trung bình cả nước thì tăng 8%, theo số liệu từ Bộ Lương thực nước này.
Gạo là lương thực thiết yếu của 3 tỷ người trên thế giới. |
Vì thế, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu để hạ nhiệt giá trong nước và kiềm chế lạm phát. Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng tốc, chủ yếu do giá lương thực cao.
UAE phải nhập khẩu gần 90% lượng lương thực tiêu thụ trong nước. Do đó, lệnh cấm tạm thời này nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, theo Bộ Kinh tế UAE.
Lạm phát cũng có thể là nguyên nhân đằng sau quyết định của UAE. Năm ngoái, giá lương thực tăng cao cũng đã gây sức ép lên UAE và các nước khác tại Vùng Vịnh.
Bình ổn thị trường trong nước cũng là lý do được Chính phủ Nga đưa ra. Nửa cuối năm ngoái, Nga cũng áp dụng hạn chế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, duy trì ổn định giá cả nội địa của các sản phẩm này, cũng như hỗ trợ ngành chế biến và chăn nuôi gia súc. Sau đó, họ gia hạn thêm lệnh cấm đến hết tháng 6 năm nay.
Ảnh hưởng xấu tới toàn cầu
Mỗi quốc gia có thể chịu tác động tiêu cực hoặc tích cực sau các lệnh cấm xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới cũng thường gặp phải nhiều thách thức.
Việc Ấn Độ, quốc gia chiếm tới 40% nguồn cung gạo toàn cầu, có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực, theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc thỏa thuận ngũ cốc biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay", Reuters dẫn lời ông Gourinchas.
Mặc dù Nga và UAE không nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tuy nhiên, việc theo sau Ấn Độ để "hỗ trợ thị trường trong nước" sẽ khiến thị trường xuất - nhập khẩu gạo thế giới càng thêm biến động.
Không chỉ ảnh hưởng tới các quốc gia nhập khẩu, nông dân ở các nước sản xuất cũng sẽ chịu thiệt vì không được hưởng lợi từ giá quốc tế cao, theo David Adamson - giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tài nguyên và thực phẩm toàn cầu thuộc Đại học Adelaide.