Vì sao Bắc Ninh thu hút nhiều nhà đầu tư vào công nghiệp bán dẫn?
Hiện Bắc Ninh đang được nhiều tập đoàn lớn "chọn mặt gửi vàng", rót vốn đầu tư, là "thỏi nam châm" thu hút nhiều doanh nghiệp bán dẫn.
Thu hút "làn sóng" bán dẫn
Tháng 10/2023, “ông lớn” bán dẫn Amkor đã khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh). Với diện tích lên tới 230.000 m2 và tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất của hãng tính tới thời điểm hiện tại. Tại đây sẽ sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các công ty lớn như Apple, Nvidia, Foxconn…
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 - 3/7/2024, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và quan chức 2 nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Chứng nhận đầu tư điều chỉnh Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor Technology Singapore Holding PTE.LTD tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy này dự kiến sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm. Tới năm 2035, nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Đây là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của Bắc Ninh những năm tiếp theo, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Ngoài Amkor, Bắc Ninh còn thu hút được một số dự án đầu tư về lĩnh vực bán dẫn như: Nhà máy thiết bị bán dẫn Micro Commercial Components (Khu công nghiệp Yên Phong I), vốn đầu tư 90 triệu USD, sản xuất và lắp ráp thiết bị bán dẫn, bao gồm sản phẩm quang điện, sản phẩm gắn kết bề mặt và các sản phẩm điện tử thông minh khác.
Hay Tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam. Victory Gaint Technology là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn, có nhiều đối tác, khách hàng lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới…
Giới chuyên gia nhận định, với việc thu hút một loạt các dự án này cho thấy quy mô của ngành điện tử tại Bắc Ninh đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong các khâu thiết kế và đóng gói.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp bán dẫn hiện chủ yếu trong tay doanh nghiệp FDI, sản xuất ở những công đoạn có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói; đồng thời yêu cầu những đặc thù như vốn, đất đai… Vì vậy, muốn trở thành một mắt xích quan trọng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu vấn đề chiến lược đặt ra là làm thế nào để tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các thế mạnh địa phương.
Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa...
Để đạt mục tiêu này, Bắc Ninh tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao, cụ thể là các dòng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế; mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất, trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam.
Chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng và nguồn nhân lực
Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn, ngoài việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 263,5 ha và đang tiến hành lập phân khu theo quy định và lựa chọn nhà đầu tư.
Khu công nghệ thông tin tập trung Bắc Ninh có vị trí kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, là vị trí trung tâm của vùng Đông Bắc bộ, kết nối thuận tiện với khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc và khu công nghiệp các tỉnh lân cận.
Hiện, dư địa mặt bằng về hạ tầng công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh khá dồi dào, còn khoảng 2.500 ha đến năm 2025, dự kiến năm 2026 - 2030, tỉnh sẽ phát triển thêm 6 khu công nghiệp ở phía Nam với diện tích 2.000 ha.
Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn mặt bằng, địa phương cũng rất quan tâm nghiên cứu để ban hành nghị quyết về hỗ trợ đầu tư, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghiệp bán dẫn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.
Mới đây, Bắc Ninh ban hành chính sách hỗ trợ việc dạy và học ngành công nghiệp bán dẫn. Với việc thông qua ban hành Quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 - 2030 là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn, giai đoạn 2024 - 2030 theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.
Nắm bắt chủ trương, nhiều trường trên địa bàn đã có kế hoạch đào tạo để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian tới; trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp số, mở các ngành nghề phù hợp với cơ cấu nền kinh tế của tỉnh là tự động hóa và cơ điện tử.
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế (R&D) trong khu vực Đông Nam Á, trong các bước đi hiện thực hóa mục tiêu đó, Bắc Ninh xác định nhiệm vụ chiến lược đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng về vi mạch bán dẫn toàn cầu.
Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học - công nghệ, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn...
Đến thời điểm này, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ việc giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số. Đây là cơ hội để địa phương năng động này nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất việc đón nguồn vốn từ nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.