Vì sao Kido bán ‘gà đẻ trứng vàng’ nắm giữ 50% thị phần ngành kem, lãi 5 đồng trên mỗi 10 đồng doanh thu cho Nutifood?
Kido bán 51% cổ phần Kido Foods cho Nutifood, từ bỏ "con gà đẻ trứng vàng" chiếm 50% thị phần kem. Điều gì khiến tập đoàn đưa ra quyết định này?
Kido Foods: Đế chế kem hàng đầu trước khi về tay Nutifood
Kido Foods (KDF) là tên tuổi hàng đầu trong thị trường kem Việt Nam với hai thương hiệu Merino và Celano. Theo Euromonitor, Kido chiếm gần 47% thị phần năm 2023, vượt xa Unilever (11,5%) và Vinamilk (9%). Sự thống trị này đã biến Kido Foods thành “con cưng” của tập đoàn Kido (mã CK: KDC).
Tuy nhiên, thông tin từ tháng 9/2024, Nutifood trở thành công ty mẹ của Kido Foods sau khi hoàn tất mua lại 51% vốn của doanh nghiệp này. Trước đó, năm 2023, Kido Group đã chuyển nhượng 24% vốn của Kido Foods cho Nutifood với giá 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty này ở mức khoảng 4.450 tỷ đồng (200 triệu USD).
Kido Foods từ lâu đã được coi là một "con gà đẻ trứng vàng" của tập đoàn Kido, nhờ khả năng sinh lời vượt trội và vị thế dẫn đầu trong ngành kem.
Mảng kem của Kido luôn nổi bật với mức sinh lời ấn tượng. Mỗi 10 đồng doanh thu từ kem mang lại 5 đồng lợi nhuận gộp, cao hơn nhiều so với ngành dầu ăn (biên lợi nhuận 10-15%).
Giai đoạn 2020-2023, ngành hàng lạnh chỉ chiếm 14-16% tổng doanh thu của Kido nhưng đóng góp tới 40-60% biên lợi nhuận gộp. Năm 2022, doanh thu ngành hàng lạnh đạt 1.842 tỷ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu nhưng mang về 1.084 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Trong khi đó, dầu ăn – lĩnh vực đóng góp 82% doanh thu – chỉ mang lại biên lợi nhuận gộp 10%.
>> KIDO (KDC) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, hé lộ thông tin về thương hiệu KIDO, Merino và Celano
Theo Euromonitor, thị trường kem Việt Nam đạt 4.900 tỷ đồng doanh thu năm 2023, tăng trưởng 8% so với năm trước. Doanh số bán lẻ kem mang về nhà tăng 9% lên 1.500 tỷ đồng, trong khi dịch vụ ăn uống cũng phục hồi mạnh mẽ nhờ du lịch quốc tế.
Dự báo từ 2023-2027, ngành kem sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ CAGR 10%, đạt quy mô 7.800 tỷ đồng vào năm 2027. Tuy nhiên, thách thức cũng ngày càng lớn khi người tiêu dùng quan tâm hơn đến sức khỏe, hạn chế các sản phẩm nhiều đường và chất béo.
Lý do Kido bán cổ phần Kido Foods
Dù lãi lớn, mảng kem bắt đầu tăng trưởng âm từ năm 2023. Doanh thu ngành hàng lạnh giảm 33% còn 1.231 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 59% xuống 40%.
Nguyên nhân chính đến từ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe và hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa nhiều đường và chất béo – đặc điểm vốn phổ biến trong sản phẩm kem truyền thống. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu khác trong ngành thực phẩm đông lạnh, đặc biệt là sự nổi lên của các sản phẩm ngoại nhập, cũng khiến Kido Foods không thể duy trì được đà tăng trưởng trước đây.
Việc bán cổ phần tại Kido Foods không chỉ xuất phát từ tình hình riêng lẻ của ngành kem mà còn liên quan đến bối cảnh kinh doanh chung của tập đoàn Kido. Trong năm 2023, công ty phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong việc mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Hai kế hoạch lớn là liên danh Vibev – sản xuất đồ uống với Vinamilk, và chuỗi cửa hàng trà sữa Chuk Chuk, đã phải dừng lại vì không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Kido thoái vốn khỏi chuỗi Chuk Chuk sau hơn 1,5 năm đầu tư. (Ảnh: Internet) |
Ngoài ra, Kido đang phải đối mặt với áp lực chi phí lớn. Báo cáo tài chính cho thấy lãi gộp năm 2023 chỉ đạt 1.536 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lên tới 1.603 tỷ đồng. Nếu không phát sinh khoản lãi tài chính hơn 1.053 tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phần Kido Foods, tập đoàn có khả năng cao sẽ ghi nhận lỗ ròng trong năm.
Bán cổ phần Kido Foods nằm trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện của Kido, được đề ra từ đầu năm 2023. Theo đó, tập đoàn dự kiến tách bạch từng mảng kinh doanh và mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, nhằm tăng cường nguồn lực và đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế.
Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên cho biết, Kido hướng tới một chiến lược kinh doanh "tinh gọn", tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao như dầu ăn, bánh kẹo và bánh bao. Trong năm 2023, Kido đã đầu tư mạnh mẽ vào mảng bánh kẹo, bao gồm việc gia tăng công suất cho mùa bánh trung thu và kế hoạch mua chi phối 70% vốn tại thương hiệu bánh bao Thọ Phát.
Ở mảng bán lẻ, Kido cũng ghi nhận bước tiến lớn khi mua lại cổ phần tại Hùng Vương Plaza và khai trương siêu thị mới trên nền tảng Parkson vừa rút lui. Đây là động thái tiếp nối thành công của Vạn Hạnh Mall – một trung tâm thương mại mang lại hiệu quả cao về tài chính và thương hiệu cho Kido.
Việc bán cổ phần Kido Foods cho Nutifood không chỉ nhằm mục đích huy động vốn mà còn phù hợp với tầm nhìn dài hạn của tập đoàn. Theo kế hoạch, Kido muốn đưa các sản phẩm và thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua hợp tác với các đối tác ngoại.
Nutifood – nhà đầu tư chiến lược được chọn – có nhiều tiềm lực về nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Công ty này đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng tại Việt Nam và Thụy Điển, tạo điều kiện để phát triển các dòng sản phẩm kem mới, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Điều này mang lại cơ hội để Kido Foods – dưới sự quản lý của Nutifood – tiếp tục phát triển và gia tăng giá trị thương hiệu.
>> Cấm quảng cáo nhãn hiệu kem do HIEUTHUHAI làm CEO trên 'Anh trai Say Hi' và '2 Ngày 1 Đêm'
KIDO chốt số phận hai thương hiệu kem Celano và Merino được định giá nghìn tỷ
KIDO (KDC) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, hé lộ thông tin về thương hiệu KIDO, Merino và Celano